Bài 2: Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, chuyên gia hiến kế

Bài 2: Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, chuyên gia hiến kế

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn cả tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu, rất cần sự tiếp sức về vốn, khơi thông thị trường, cải cách hành chính…

Trợ lực về nguồn vốn, khơi thông thị trường

Sức mua thị trường quốc tế giảm do lạm phát ở nhiều quốc gia, chính sách tiền tệ bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế và dự báo khả năng suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra vào năm 2023. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng được dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế – đầu tư – thương mại hậu Covid-19. Mặt khác, giá hàng hóa thiết yếu ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Bài 2: Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, chuyên gia hiến kế
Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra nhiều kiện nghị đến cơ quan chức năng

Doanh nghiệp trong nước phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, khả năng chủ động về nguồn nguyên liệu và tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Qua khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ có khoảng 38% đến 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn đều gặp trở ngại về các điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng. Vì thế, đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất –kinh doanh.

Để giúp cộng đồng doanh nghiệp nói chung và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – cho rằng, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có nguồn lực đầu tư hệ thống sản xuất, kinh doanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn – chia sẻ, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Thị trường giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm dẫn đến hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có cơ chế xử lý thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không chỉ cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động mà còn cần nguồn vốn cho đầu tư và tái cấu trúc. Ví dụ như thực hiện việc chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ… Tuy nhiên, hiện lãi suất ngân hàng đang quá cao, vì vậy việc điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, trở về mức hợp lý hơn sẽ là “động lực” quan trọng giúp doanh nghiệp sớm phục hồi. Bên cạnh đó, thủ tục để vay vốn, sự chênh lệch lãi suất giữa các doanh nghiệp vay, việc định giá tài sản của doanh nghiệp các ngành còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp vay vốn bị thiệt thòi… “Cần phải có trần lãi suất huy động để làm sao lãi suất cho vay khoảng 5 -6%/năm, biên độ từ 2 – 3% thì doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận”, ông Lê Văn Hiệp đề xuất.

Cùng với vấn đề nguồn vốn, một số doanh nghiệp đang lo nhất hiện nay là hoàn thuế giá trị giá trị gia tăng (VAT). Ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony – nêu ý kiến, Chính phủ vừa cho phép giãn thời gian nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023, việc này rất sẽ giúp cho doanh nghiệp có dòng tiền mặt để xoay vòng vốn.

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp đang lo nhất hiện nay là hoàn thuế giá trị giá trị gia tăng. Như với Dony, hiện doanh nghiệp hiện có 2 mảng sản xuất, kinh doanh là nội địa và xuất khẩu. Nội địa thì được không được miễn thuế giá trị gia tăng nhưng xuất khẩu thì hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng từ năm ngoái đến năm nay rất khó do các thủ tục quá rườm rà, thậm chí gây khó cho doanh nghiệp.

Ngoài vấn đề về vốn, thuế VAT, TS. Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) – kiến nghị, trong điều kiện cầu chung là thị trường bị co hẹp thì phải có kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại ở các thị trường ngách như Bắc Mỹ, Trung Đông…; thiết lập kênh kết nối định kỳ với cơ quan thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, nhằm thúc đẩy sự tăng cường hợp tác, đầu tư, giao thương Việt Nam với nước ngoài; triển khai công cụ trực tuyến, tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp (tương tác trực tiếp) khi xuất khẩu sang thị trường các nước liên quan.

Cùng với đó là tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả việc liên kết giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh/thành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát huy thế mạnh từng địa phương. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, nhất là hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Khẳng định việc tiếp cận thông tin chính sách là rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng, các cơ quan nhà nước cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh thuận lợi trong tiếp cận thông tin.

Trong quá trình này, các cơ quan chức năng cần vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách. Song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ.

Bài 2: Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, chuyên gia hiến kế
Ngành dệt may còn nhiều khó khăn cần vượt qua trong năm 2023

Thúc đẩy đầu tư công, việc này liên quan đến khơi thông chuyển động dòng tiền trên thị trường. PGS.TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) – nhận định, trước mắt cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để tạo điều kiện lan tỏa sang các lĩnh vực khác, giúp doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, tiếp tục xem xét cắt giảm được thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thanh tra và kiểm tra định kỳ, có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp khai mở thị trường mới rất hiệu quả cho doanh nghiệp…

TS Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế:

Cần nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Tiếp tục tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, nỗ lực xúc tiến thương mại. Theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam. Từ đó, kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời. Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống.

Ông Phạm Hồng Việt – Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội – Chủ tịch HĐQT Harco:

Do độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn với thế giới, do đó, đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành thông tin kịp thời và dự báo tình hình cho các doanh nghiệp xác định phương hướng. Đồng thời, tổ chức đoàn xúc tiến thương mại cấp Bộ, ban, ngành và cấp tỉnh/thành phố đến các thị trường xuất khẩu trọng điểm và các thị trường mới để giúp doanh nghiệp giao thương và nắm bắt thông tin trực tiếp của thị trường. Bên canh đó, cần khẩn trương áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất vay, giãn nợ cho các doanh nghiệp,…

Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan thành phố Hồ Chí Minh:

Việc Chính phủ giãn thuế và tiền thuê đất thời điểm này là đúng thời điểm rất cần cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn được hỗ trợ thêm như giãn đóng bảo hiểm xã hội để có nguồn lực đầu tư và đảm bảo đời sống cho người lao động.

Bài 3: Doanh nghiệp cần vững tay chèo trước cơn bão lạm phát

Nhóm phóng viên

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí