Doanh nghiệp xuất khẩu đang dần mất lợi thế
10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của TP. Đà Nẵng ước đạt hơn 2,47 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 1,54 tỷ USD, giảm 11,5%; và nhập khẩu ước đạt 936 triệu USD, giảm 23,1%.
Xuất khẩu hàng dệt may 10 tháng 2023 giảm 10,2% so với cùng kỳ 2022 |
So với cùng kỳ 2022, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng 10 tháng năm 2023 đều giảm, như kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 415 triệu USD, giảm 10,2%; thủy sản ước đạt 182 triệu USD, giảm 11,7%; đồ chơi trẻ em ước đạt 82,2 triệu USD, giảm 8%; động cơ, thiết bị điện tử đạt 529 triệu USD, giảm 9,9%. Riêng mặt hàng cao su thành phẩm vẫn duy trì được đà tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 107,5 triệu USD, tăng 3,7%.
Nói về nguyên nhân xuất nhập khẩu Đà Nẵng giảm, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng – ông Trần Văn Vũ cho rằng, bên cạnh những yếu tố khách quan như kinh tế thế giới chững lại, cầu tiêu dùng giảm, xung đột của một số quốc gia…thì phải thẳng thắn nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế nội tại của doanh nghiệp xuất khẩu thành phố.
Theo ông Vũ, qua theo dõi hơn hoạt động của hơn 29.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong giai đoạn từ 2010 – 2022, thực trạng hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, các doanh nghiệp khi đầu tư máy móc, thiết bị còn chú trọng hơn đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả. Mặt hàng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp, chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và lao động giá rẻ. Chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý…để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao.
Phần lớn nguyên liệu làm hàng xuất khẩu của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng phải nhập từ bên ngoài. Ngoài ra, nhiều vấn đề nảy sinh từ hoạt động xuất, nhập khẩu chưa được giải quyết tốt, chia sẻ lợi ích từ xuất khẩu chưa thật công bằng, đặc biệt lợi ích thu được từ các nhóm hàng có nguồn gốc từ tự nhiên.
Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng – ông Trần Văn Vũ |
Nguyên nhân của những tồn tại trên là vì phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành sản xuất hàng hóa còn hạn chế; duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng xuất khẩu theo bề rộng. Trong một thời gian dài, những ảnh hưởng tiêu cực của xuất khẩu đối với môi trường và xã hội bị coi nhẹ; năng lực thực thi các quy định và tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, các vùng nuôi trồng thủy sản, khu vực khai thác chế biến khoáng sản còn hạn chế gây suy thoái môi trường, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững.
Cần chuyển từ khai thác lợi thế tự nhiên sang lợi thế “nhân tạo”
Theo Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, tài nguyên và lao động giá rẻ là lợi thế so sánh của nước ta trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Nhưng, hiện nay, những lợi thế này đang dần mất đi. Nguồn lực tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Lợi thế lao động rẻ cũng ngày càng giảm dần. “Việt Nam không còn lợi thế về lao động giá rẻ nữa. Khảo sát thu nhập lao động tại thị trường Bangladesh, Ấn Độ là hiện khoảng 200 USD/tháng, thấp hơn so với giá lao động tại Việt Nam (bình quân chung là 7 triệu – 7,5 triệu/tháng, tương đương khoảng 250 – 300 USD/tháng); chưa kể đến một số thị trường có giá lao động tương đường nước ta như Indonesia 250 USD/tháng…”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng thông tin.
Ông Vũ cho rằng, trong bối cảnh những lợi thế tự nhiên đang dần mất đi cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác, để tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng bền vững cần phải tạo những lợi thế “nhân tạo” đó là nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua đổi mới máy móc, công nghệ. Việc đổi mới máy móc không chỉ chú trọng vào số lượng, chất lượng cho sản phẩm, mà còn phải có tính “xanh” và tính “khác biệt”.
Doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng cần chú trọng đầu tư công nghệ để tăng hàm lượng chất lượng sản phẩm, “xanh hóa” sản xuất |
Cùng với đó, cần có những chính sách tốt hơn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để rút ngắn “thời kỳ gia công”, tăng dần các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao trong các ngành chế biến xuất khẩu. “Phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều kiện quan trọng để đảm bảo tính chủ động trong việc khai thác nguồn lực trong nước, giảm xuất khẩu sản phẩm thô và nhập khẩu nguyên liệu, là điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng của các ngành hàng/mặt hàng xuất khẩu chế biến”, ông Vũ nói và khuyến nghị, dựa trình độ phát triển hiện tại và những điều kiện bảo đảm để phát triển công nghệ, cần khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử, tin học.
Ngoài ra, cần đặc biệt tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu và giải quyết các vấn đề xã hội; giữa tăng trưởng xuất khẩu và bảo vệ môi trường….