Hai tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 56,3%

Hai tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 56,3%

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 2 tháng, cả nước chi 1,7 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu các loại, tăng 56,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, nhập khẩu dầu thô tăng 2,2 lần về lượng và 2,1 lần về giá trị.

Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex cho biết từ ngày 20/1 đến 21/2, đơn vị này đã nhập khẩu 168.596 m3 xăng, 162.308 m3 diesel và 24.931 m3 dầu mazut để cung ứng ra thị trường.

Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Lượng xăng dầu nhập khẩu góp phần đảm bảo nguồn cung trong nước

Trong khi đó, lượng nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước đối với xăng là 284.369 m3, dầu diesel là 245.619 m3 và dầu hỏa là 1.651 m3.

Lượng xuất bán nội địa của Petrolimex trong thời gian trên đối với xăng là 435.800 m3; Dầu diesel là 344.935 m3; Dầu hỏa là 1.961 m3 và Dầu mazut là 18.171 m3.

Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Trước đó, năm 2022, tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).

Hiện, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; đồng thời, đã tổ chức xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng chịu tác động nhằm tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bên có liên quan đối với nội dung dự thảo Nghị định.

Đến nay, Bộ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sửa đổi, bổ sung các Nghị định trên, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: thời gian điều hành giá xăng dầu; quyền nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu (quy định về nguồn hàng, tỷ lệ chiết khấu tối thiểu…); công thức giá xăng dầu; phương thức điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu…

Mục tiêu là bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bảo Ngọc

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí