Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận và thống nhất cách thức triển khai việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp, minh bạch, đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định thư đã được ký kết giữa hai bên. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia và chủ trì Hội nghị.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay, trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với danh sách 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt.
Số lượng này có thể tăng lên sau khi hồ sơ của các vùng trồng và các cơ sở đóng gói khác được tiếp tục gửi để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt hoặc có thể giảm xuống, thậm chí mất thị trường xuất khẩu nếu các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số không được kiểm soát chặt chẽ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc, việc gian lận mã số vùng trồng cũng có thể xảy ra. Do đó, việc đảm bảo xuất khẩu bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam là vấn đề được đặt ra.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ, với danh sách trên, dự kiến có khoảng 3.000ha với sản lượng 68 nghìn tấn sầu riêng/năm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng khối lượng đăng ký xuất khẩu đến nay là 1,3 triệu tấn, đây là một con số lớn. Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ đến tình trạng gian lận, mất uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, chúng ta ngồi với nhau chuẩn bị cho hành trình đi xa nhiều chuyến, đem lại giá trị cao cho ngành hàng sầu riêng. Đồng thời, thông qua câu chuyện trái sầu riêng nhìn lại chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, nhìn lại lợi thế, tiềm năng, rủi ro, thách thức từ bên ngoài. Đồng thời, mong muốn không phải chỉ bán trái sầu riêng mà còn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính nhất là Trung Quốc.
Háo hức, vui mừng khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nhưng ông Lê Minh Hoan cũng đầy trăn trở với các ngành hàng nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng. Dẫn câu chuyện của một số ngành nông sản khác đó là vú sữa lò rèn Tiền Giang xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Giờ vú sữa lò rèn không còn hoặc còn rất ít. Vậy, chúng ta làm sao để trái sầu riêng không đi vào “vết xe đổ” của vú sữa lò rèn.
“Sáng nay, tôi nhận được thông tin từ một số doanh nghiệp ở Tây Nguyên bắt đầu nổi lên một số vấn đề, không phải vấn đề kỹ thuật, kiểm soát dịch hại mà còn nhiều vấn đề khác. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, ông Lê Minh Hoan đặt vấn đề và cho rằng, để đi cùng nhau thì lợi ích cần được chia đều. Làm sao để sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia. Các nước này cũng đang nhìn chúng ta đang đi cùng nhau như thế nào để phát triển bền vững. Chúng ta muốn tạo ra nông sản đặc biệt, thì cần những con người đặc biệt trong hệ sinh thái, biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau. Đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc. Đồng thời đề nghị ngành nông nghiệp cần phải tập huấn, chuẩn hóa cho người nông dân, tránh tình trạng giả mạo truy xuất nguồn gốc ở nơi này, nơi kia. “Tối nay về mọi người hãy gác tay lên trán suy nghĩ, mình là một một phần của hệ sinh thái sản xuất sầu riêng, chứ đừng vội tính chuyến hàng này sẽ lời bao nhiêu”, Bộ trưởng Hoan chia sẻ.
Ông Lê Minh Hoan dẫn chứng, một ngôi làng nghèo nhất Nhật Bản trở thành giàu nhất Nhật Bản nhờ trồng xà lách. Thế giới gọi là ngôi làng thần kỳ ở Nhật Bản. Họ thành công vì họ bán niềm tin, bán sức khỏe cho người tiêu dùng, chứ không bán sản phẩm. Ai làm sai quy trình thì bị loại ra khỏi thương hiệu xà lách trên. Ông Lê Minh Hoan cũng kể tiếp, đã có lần sang Malaysia thấy họ trồng trái sầu riêng và điều chỉnh được hương, vị ngọt của từng loại sầu riêng. Một lần bất tín là vạn lần bất tin. Do đó, việc chuẩn hoá giống, quy trình, thị trường, kiến thức, tri thức người nông dân, đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta. “Cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng hôm nay. Hình ảnh trái sầu riêng không quan trọng bằng hình ảnh hệ sinh thái tạo ra trái sầu riêng đó. Đó chính là xây dựng thương hiệu”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh lại.
Thời gian tới, để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại cửa khẩu đảm bảo các lô hang xuất khẩu tuân thủ đúng quy định của Trung Quốc…. Các doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.
“Cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác; phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trước đó, để chuẩn bị cho việc xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành nhiều hoạt động như tổ chức các lớp tập huấn về các yêu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc; về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các bên liên quan ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, tuyên truyền phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau giúp người dân tiếp cận được với các quy định, yêu cầu đối với sầu riêng xuất khẩu.
Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo toàn bộ hệ thống kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu kiểm tra xuất xứ của hàng hóa liên quan đến mã số, yêu cầu kỹ thuật về bao bì nhãn mác nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm thời gian, nhanh chóng đưa sản phẩm sầu riêng tươi sang Trung Quốc.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng và phản ánh của một số doanh nghiệp, có tình trạng mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Cụ thể, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, hiện đơn vị này đang tạm dừng xuất khẩu 2 container sầu riêng sang Trung Quốc. Nguyên nhân, đơn vị xuất khẩu cung cấp mã số vùng trồng của lô hàng này không hợp lệ. Đơn vị sở hữu chính thức mã vùng trồng này chưa có giấy ủy quyền xuất khẩu cho đơn vị nào khác. Liên quan tới vấn đề này, đã có hai doanh nghiệp đã gửi công văn tới Cục Bảo vệ thực vật cùng các cơ quan quản lý liên quan. Cụ thể, Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (tỉnh Đắk Lắk) và Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm (tỉnh Tiền Giang) khẳng định cả hai công ty đều chưa ký kết hợp đồng mua bán cũng như ủy quyền cho đơn vị nào để sử dụng xuất khẩu sầu riêng. Để phục vụ cho việc xuất khẩu lô hàng sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc, doanh nghiệp đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương, cùng các cơ quan hữu quan hỗ trợ kiểm soát việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Theo đại diện các doanh nghiệp họ đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết để thực hiện xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Việc mạo danh, đánh cấp mã số này là hoạt động bất hợp pháp và ảnh hưởng lớn nghiêm trọng đến tương lai của hoạt động xuất khẩu sầu riêng chính ngạch nói chung và uy tín của doanh nghiệp. |