Năm 2022, Việt Nam chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu gỗ nguyên liệu

Năm 2022, Việt Nam chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu gỗ nguyên liệu

Năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu lượng gỗ tròn và gỗ xẻ tương đương 6,3 triệu m3 gỗ quy tròn với giá trị gần 2 tỷ USD.

Luồng cung gỗ nhập khẩu từ vùng tích cực chiếm 65%

Trong báo cáo “Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực hết năm 2022” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends vừa công bố cho biết, chỉ trong năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu lượng gỗ tròn và gỗ xẻ tương đương 6,3 triệu m3 gỗ quy tròn với giá trị gần 2 tỷ USD. Trong nhóm gỗ nguyên liệu đầu vào, gỗ tròn và gỗ xẻ vẫn là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất để phục vụ cho nhu cầu chế biến của ngành gỗ.

trách nhiệm giải trình  trong nhập khẩu gỗ tại Việt Nam
Năm 2022, Việt Nam chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Ảnh minh họa

Năm 2022, có 41 quốc gia/vùng lãnh thổ tích cực cung hơn 3,8 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ quy tròn cho Việt Nam. Trong cùng năm, 55 quốc gia/vùng lãnh thổ không tích cực (rủi ro) cung hơn 2,5 triệu m3 gỗ tròn và xẻ quy tròn cho Việt Nam.

Xét theo nguồn gốc xuất xứ, luồng cung gỗ tròn và gỗ xẻ từ các thị trường tích cực và rủi ro chiếm trung bình lần lượt khoảng 65% và 35% tổng lượng nhập khẩu về Việt Nam.

Lượng nhập khẩu từ các thị trường tích cực đã tăng liên tục với mức tăng trung bình 5,6% trong giai đoạn trước năm 2022, từ mức 3,52 triệu m3 quy tròn năm 2018 lên 4,15 triệu m3 quy tròn năm 2021. Tuy nhiên, con số này bị sụt giảm mất 7,9% về mức 3,82 triệu m3 trong năm 2022.

Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách – Tổ chức Forest Trends – nhận định, lý do sụt giảm lượng nhập khẩu từ các thị trường tích cực chủ yếu là do thị trường đầu ra xuất khẩu bị co giảm từ nửa cuối năm 2022. Cụ thể, các đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU do mức lạm phát cao ở các nước này sau khi chiến sự Nga – Ukraina xảy ra khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, làm giảm cầu.

Ngoài ra, do tâm lý doanh nghiệp trước đó cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ khởi sắc trở lại sau đại dịch Covid nên một lượng lớn gỗ nguyên liệu đã được các doanh nghiệp nhập khẩu từ năm 2021 để đón đầu xu hướng. Tuy nhiên, điều này không diễn ra, làm lượng gỗ nguyên liệu tồn trong nước ở mức cao. Hiện tại, các đơn hàng xuất khẩu của ngành gỗ đang giảm 50-60% so với trước đó.

“Nhiều doanh nghiệp dự đoán xu hướng trầm lắng này sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý I, thậm chí là quý II/2024. Nếu dự đoán này chính xác, nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu đối với nhóm gỗ từ các thị trường tích cực vốn chủ yếu dùng để phục vụ chế biến xuất khẩu sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2023”, ông Tô Xuân Phúc cho biết thêm.

Đối với nguồn cung từ các thị trường không tích cực/rủi ro, lượng nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ trong năm 2022 giảm, tuy nhiên, tốc độ giảm thấp hơn nhiều so với luồng nhập khẩu từ các thị trường tích cực. Thị trường nội địa là đầu ra cho hầu hết lượng gỗ rủi ro nhập khẩu. Lượng nhập khẩu gỗ rủi ro giảm ít phản ánh tính ổn định của thị trường nội địa.

Lượng cung gỗ nhập khẩu rủi ro lớn, với nguồn cung, các loài nhập khẩu đa dạng và sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ vào khâu nhập khẩu cho thấy các thách thức trong việc kiểm soát hiệu quả luồng cung này hiện tại và trong tương lai.

Giải pháp nào để giảm luồng cung gỗ rủi ro nhập khẩu trong tương lai?

Ngành gỗ đang đối mặt với các khó khăn về thị trường đầu ra sản phẩm và các rủi ro trong khâu nguyên liệu đầu vào. Điều này đòi hỏi Chính phủ và cộng đồng hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành cần có những hành động kịp thời trong thời gian tới để giảm thiểu các khó khăn và rủi ro này nhằm duy trì hoạt động và lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Tô Xuân Phúc nhận định, đối với gỗ nguyên liệu từ các thị trường tích cực, do phụ thuộc nhiều vào đầu ra xuất khẩu – vốn đang trong giai đoạn trầm lắng – luồng cung này sẽ không dễ dàng mở rộng ngay.

Tại thời điểm này, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương nên hỗ trợ các hiệp hội gỗ để triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, thúc đẩy các kênh kết nối nhằm tìm kiếm cơ hội thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ và EU.

Các doanh nghiệp trong ngành cần duy trì tâm lý tích cực, tận dụng khoảng thời gian này để xem xét, tái cơ cấu lại mô hình kinh doanh hiện tại, qua đó nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội phát triển từ các thị trường mới. Đây là những bước chuẩn bị cần thiết để doanh nghiệp có thể đón nhận tín hiệu tốt của thị trường trong năm 2024.

Hiện tại gỗ nhập khẩu đóng góp một phần quan trọng trong tổng nguồn cung gỗ nguyên liệu của Việt Nam, trong đó khoảng gần 40% nguồn cung nhập khẩu là từ các quốc gia/vùng lãnh thổ rủi ro.

Chuỗi cung gỗ nguyên liệu từ các thị trường rủi ro, đặc biệt là châu Phi, về Việt Nam rất phức tạp. Tính phức tạp được tạo ra bởi nhiều bên trung gian tham gia chuỗi, đặc biệt là từ các công ty nhập khẩu có quy mô nhỏ lẻ tham gia chuỗi, số lượng nguồn cung lớn, thành phần loài nhập khẩu đa dạng, thông tin về các yêu cầu pháp lý liên quan tới các khâu của chuỗi cung cũng như mức độ tuân thủ của các bên tham gia chuỗi từ các quốc gia cung gỗ này hạn chế.

Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro đối với luồng cung này, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường rà soát các chuỗi cung ứng và thiết lập các hoạt động trao đổi thông tin, giao lưu với các doanh nghiệp nhập khẩu nhằm hiểu rõ chuỗi cung ứng và xác định các rủi ro trong chuỗi. Đây sẽ là cơ sở để thiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát chung giữa Việt Nam và quốc gia cung ứng gỗ.

Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc khả năng tập trung hóa khâu nhập khẩu, chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lớn, có uy tín, tuân thủ pháp luật cao làm các đầu mối nhập khẩu thay vì cho phép doanh nghiệp tham gia nhập khẩu tự do như hiện nay.

Chính phủ Việt Nam cũng có thể đề nghị Chính phủ các quốc gia cung gỗ cho Việt Nam cung cấp thông tin về các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín tại các quốc gia này từ đó kết nối với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi xem xét phương án tạo đầu mối các doanh nghiệp nhập khẩu, Chính phủ cần đảm bảo có cơ chế phù hợp để đề phòng tình trạng độc quyền, kiểm soát giá gỗ trong khâu nhập khẩu.

Để giảm luồng cung gỗ rủi ro nhập khẩu trong tương lai cũng cần có các biện pháp thực tế để chuyển đổi luồng cung gỗ rủi ro tại các làng nghề trong nước. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan hỗ trợ các làng nghề chuyển đổi sang sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ ít rủi ro hơn, bao gồm gỗ rừng trồng trong nước và nhập khẩu từ các vùng địa lý tích cực. “Các cơ chế và chính sách mới cần được đưa ra, tạo môi trường thể chế khuyến khích các hộ làng nghề liên kết với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm gỗ chuyển đổi, ưu tiên sản phẩm gỗ chuyển đổi của làng nghề trong mua sắm công, thúc đẩy quảng bá sản phẩm gỗ chuyển đổi…”, ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị.

Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí