Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 của 5 mặt hàng lớn nhất như sau: máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện hơn 30,6 tỷ USD; điện thoại, linh kiện hơn 28,7 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng hơn 23,2 tỷ USD; dệt may hơn 19 tỷ USD và giày dép hơn 11,6 tỷ USD. Tổng kim ngạch 5 mặt hàng này hơn 113,3 tỷ USD, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ảnh minh họa |
So với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng trên vẫn còn giảm lớn hơn tốc độ giảm chung (-10,4%), với mức giảm hơn 14,3 tỷ USD, chiếm 63,8% tổng mức giảm chung của cả nước. Nói cách khác, sự sụt giảm của các mặt hàng lớn nhất góp phần làm cho tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm sâu cả về tốc độ, cả về sự quan tâm chỉ đạo đến các mặt hàng khác.
Năm mặt hàng trên có mặt ở 59 thị trường, trong đó có 29 thị trường đạt trên 500 triệu USD, 21 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 10 thị trường đạt trên 2 tỷ USD, đặc biệt có 6 thị trường đạt trên 3 tỷ USD, gồm Mỹ (35,51 tỷ USD), Trung Quốc (18,14 tỷ USD), Hàn Quốc (6,72 tỷ USD), Nhật Bản (5,69 tỷ USD), Hồng Kông (4,13 tỷ USD), Hà Lan (3,63 tỷ USD).
Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD từ năm 2024, sau đó liên tục tăng lên, nằm trong nhóm cao của “câu lạc bộ”, 7 tháng đầu năm nay vượt lên đứng thứ nhất. Mặc dù tính chung 7 tháng còn giảm 3,4%, hay giảm 1,079 tỷ USD, nhưng quy mô xuất khẩu mặt hàng này đang có xu hướng cao lên.
Cụ thể, nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chỉ đạt hơn 4,1 tỷ USD, thì tháng 6, tháng 7 đã đạt bình quân hơn 5 tỷ USD. Nếu bình quân mỗi tháng đạt được như tháng 6, tháng 7, thì 5 tháng cuối năm ước đạt hơn 25 tỷ USD, cả năm sẽ đạt xấp xỉ 56 tỷ USD, cao hơn kỷ lục đã đạt trong năm trước (55,54 tỷ USD).
Điện thoại và linh kiện cũng là mặt hàng này sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và liên tục đứng thứ hạng cao nhất trong “câu lạc bộ”. Trong 7 tháng đầu năm 2023, do bị giảm tương đối sâu (giảm 15,5%, hay giảm 5,271 tỷ USD, mức giảm lớn nhất trong các mặt hàng), nên mặt hàng này đã “tụt” xuống thứ 2 (sau máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện).
Tuy xuất khẩu điện thoại và linh kiện bị giảm sâu trong 7 tháng, nhưng tháng 6 đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 37,6% so với tháng 5, tháng 7 đạt hơn 4,4 tỷ USD, tăng 11% so với tháng 6, nên tốc độ giảm kỳ 7 tháng đã chậm lại. Nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng còn lại đạt bằng tháng 7, thì 5 tháng đạt hơn 22,2 tỷ USD; cả năm sẽ đạt xấp xỉ 51 tỷ USD, chỉ còn giảm 12,1% so với năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 9%, hay giảm 2,3 tỷ USD, mặc dù tháng 7 đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với tháng 6. Nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt bằng mức của tháng 7, thì 5 tháng cuối năm sẽ đạt hơn 17,685 tỷ USD; cả năm 2023 đạt trên 41 tỷ USD, giảm 10,5% so với mức kỷ lục 45,75 tỷ USD của năm trước. Đây là sự cảnh báo cần thiết.
Dệt may tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD khá sớm (từ năm 1996), phát triển và hiện nằm trong top rất cao trong “câu lạc bộ”. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2023 giảm 14,5%, hay giảm 3,23 tỷ USD, tháng 7 đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 6. Nếu bình quân cuối năm đạt 16,34 tỷ USD, thì cả năm sẽ đạt 35,4 tỷ USD, chỉ còn giảm 5,8% so với kỷ lục 37,57 tỷ USD trong năm trước.
Xuất khẩu giày dép trong 7 tháng giảm khá sâu (giảm 17,3%, hay giảm hơn 2,4 tỷ USD), tháng 7 đạt hơn 1,79 tỷ USD, tăng 1,4%. Nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng còn lại, con số đạt được như tháng 7, thì 5 tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 8,95 tỷ USD, cả năm đạt 20,59 tỷ USD, chỉ giảm 13,8% so với kỷ lục 23,9 tỷ USD đã đạt trong năm trước – thấp hơn mức giảm 17,3% của 7 tháng.