Nghịch lý câu chuyện nhập khẩu muối

Nghịch lý câu chuyện nhập khẩu muối

Nghịch lý này xuất phát từ nguyên nhân chính là công nghệ chế biến muối không đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị sản xuất trong nước.

Nước ta có hơn 3.200 km đường bờ biển nhưng vẫn phải bỏ hàng tỷ USD nhập khẩu muối. Nghịch lý này xuất phát từ nguyên nhân chính là công nghệ chế biến muối không đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị sản xuất trong nước.

Nghịch lý câu chuyện nhập khẩu muối
Diêm dân trên cánh đồng muối xã Bạch Long (Giao Thủy, Nam Định) – Ảnh: Phạm Tiệp

Vì sao vẫn phải nhập khẩu muối?

Năm 2022, Bộ Công Thương công bố phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối là 80.000 tấn; năm 2023 là 84.000 tấn.

Về nhu cầu thực tế, hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 400.000 – 600.000 tấn muối trắng có độ tinh khiết cao để phục vụ các ngành công nghiệp, phần lớn là ngành công nghiệp hóa chất, nhất là cho ngành sản xuất xut – clo. Ngoài ra, có vài chục nghìn tấn muối đặc biệt sạch được nhập về để phục vụ ngành y tế. Ông Văn Đình Hoan – Tổng giám đốc Công ty CP Hóa chất Việt Trì cho biết, mỗi năm công ty cần khoảng 80.000 – 100.000 tấn muối công nghiệp chất lượng cao cho sản xuất hóa chất. Và tất cả muối này đều phải nhập khẩu. Giải thích nguyên nhân, ông Hoan phân tích: Thứ nhất, chất lượng muối sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của công ty do nhiều tạp chất. Việc phải xử lý, loại bỏ, sàng lọc các tạp chất trong muối dẫn tới giá thành còn cao hơn cả muối nhập khẩu. Không chỉ về chất lượng, với thực tế sản xuất muối trong nước còn thủ công, manh mún như hiện tại cũng không đảm bảo được số lượng muối ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp sản xuất hóa chất.

Đồng tình với ông Văn Đình Hoan, đại diện Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam cũng chia sẻ: Mỗi năm, công ty nhập lượng muối lớn về cho sản xuất hóa chất cơ bản. Lượng muối được phân giao hạn ngạch không đủ, các đơn vị thường xuyên phải nhập thương mại.

Phải nâng cao chất lượng muối trong nước

Hàng năm, các đơn vị sản xuất hóa chất, y tế… trong nước được Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu muối công nghiệp theo quy định. Tuy nhiên, số lượng hạn ngạch được cấp chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu sử dụng. Đơn cử, mỗi năm Công ty CP Hóa chất Việt Trì được cấp hạn ngạch khoảng 20.000 tấn nhưng nhu cầu thực tế khoảng 80.000 – 100.000 tấn, chỉ bằng 20 đến 25% trên tổng số lượng muối công ty dùng cho sản xuất. Số lượng còn lại công ty phải nhập khấu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong khi đó, thuế suất nhập khẩu muối của hai bên lại chênh lệch rõ rệt. Muối công nghiệp nhập theo hạn ngạch thuế quan chịu thuế 15%; muối công nghiệp nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan phải chịu thuế 50%.

Mặt khác, chi phí muối công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất sản phẩm của công ty. Với số lượng hạn ngạch được cấp như hiện nay, các sản phẩm của công ty không thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thứ hai là về thời gian cấp hạn ngạch thuế quan muối công nghiệp. Hạn ngạch thuế quan muối công nghiệp hàng năm luôn được cấp vào cuối năm. Với thời gian gấp như vậy, công ty rất khó để tổ chức nhập khẩu hết hạn ngạch trong năm. Đơn cử, năm 2015, hạn ngạch thuế quan số 12570/BCT-XNK cấp ngày 08/12/2015 (số lượng 10.000 tấn), do thời gian quá ngắn công ty không nhập khẩu kịp nên cũng đành phải bỏ.

Hàng năm, để kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng đúng mục đích muối nhập khẩu, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng muối công nghiệp nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan tại các doanh nghiệp. Thực tế, muối sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu cả về chất lượng và số lượng để làm nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất hóa chất.

Từ thực tế này, Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì kiến nghị: Thứ nhất, tăng số lượng hạn ngạch thuế quan muối công nghiệp theo nhu cầu sử dụng để các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Thứ hai, thời gian cấp hạn ngạch thuế quan muối công nghiệp cho các doanh nghiệp sớm hơn (trước quý IV hàng năm) để các đơn vị trong nước chủ động trong nhập khẩu nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Về lâu dài, các đơn vị mong muốn ngành muối cải tiến công nghệ, quy mô sản xuất để có thể đáp ứng được cả về chất lượng, số lượng cho sản xuất hóa chất trong nước. Bởi với thực tế hiện nay, chênh lệch giữa nhập khẩu muối trong hạn ngạch và ngoài hạn ngạch thuế quan đã kéo giá thành sản xuất hóa chất của các đơn vị lên cao, khó cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của nước ngoài.

Vì vậy, nếu giải được bài toán muối trong nước đáp ứng được nhu cầu của sản xuất trong nước, doanh nghiệp không phải nhập khẩu sẽ giúp đảm bảo lợi ích của cả hai bên: Diêm dân được nâng cao thu nhập, giá trị muối trong nước tăng lên, doanh nghiệp sản xuất cũng giảm được giá thành sản xuất, cạnh tranh với hàng nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được nhu cầu này, ngành muối trong nước cần được đầu tư bài bản về công nghệ, máy móc, nhân lực. Điều này cần sự chung tay, vào cuộc của các bộ, ban ngành.

Nguyễn Duyên

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí