Thị trường Halal 5.000 tỷ USD mỗi năm – cơ hội cho doanh nghiệp
Tại “Hội thảo về thị trường Halal: Khái niệm, tiềm năng và thách thức” do Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều 13/7, bà Lý Kim Chi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch FFA – cho biết: Hiện nay, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông – châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.
Chứng nhận Halal – Chìa khóa vàng để các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước Hồi giáo |
Nhu cầu về sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo, mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal, do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
Bà Lý Kim Chi – Phó Chủ tịch – Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh |
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… và có những lợi thế quan trọng, nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.
Đặc biệt, vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á. Ngay tại Đông Nam Á, Indonesia hay Malaysia… những quốc gia Hồi giáo đông dân này sẽ là một trong những thị trường tiềm năng, không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.
Hợp tác giao thương với Malaysia trong chế biến và xuất khẩu thực phẩm Halal sẽ giúp Việt Nam không chỉ khai thác được thị trường Malaysia mà còn mở rộng xuất khẩu sang các nước Trung Đông đầy tiềm năng cũng như thâm nhập thị trường Halal toàn cầu. Ước tính, thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm khi nhu cầu về các sản phẩm Halal từ các nước Hồi giáo ngày một tăng.
Song thực tế, các doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các nước Hồi giáo. Bởi để đưa được các sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal cho các sản phẩm của mình.
Sản phẩm nước giải khát của Công ty Tân Quang Minh xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo |
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.
Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu phát triển ngành công nghiệp Halal thành một trong những lĩnh vực xuất khẩu chính của mình, do vậy Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Malaysia để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu.
Làm thế nào để doanh nghiệp Việt được chứng nhận Halal?
Để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về thị trường Halal, cũng như tiềm năng… tại hội thảo, bà Wong Chia Chiann – Tổng Lãnh sự quán Malaysia và các chuyên gia từ cộng đồng Hồi giáo đã chia sẻ từ những quy định, tiêu chuẩn, cách thức xin cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm Halal. Đồng thời giải đáp những vấn đề thắc mắc liên quan mà doanh nghiệp quan tâm.
Bà Wong Chia Chiann – Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh |
Theo bà Wong Chia Chiann – Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp Halal đang là một trong những xu hướng trên thị trường thế giới. Đó là một thị trường trị giá 5 nghìn tỷ USD.
Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thực phẩm và có vị trí địa lý gần nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi như Malaysia, Indonesia trong khối ASEAN. Halal và tiềm năng của nó mang lại đã có đủ sức hút ở Việt Nam, nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam có hiểu biết chung về Halal.
Tuy nhiên, cách hiểu chung về Halal này có thể khác nhau. Một số người nói, “không thịt lợn” – pork-free khi đề cập đến Halal. Một số nói “Thân thiện với người Hồi giáo” – Muslim-friendly là Halal.
Theo bà Wong Chia Chiann, thực phẩm Halal không chỉ “không có thịt lợn” hoặc không có cồn từ Halal hoặc logo mà bạn luôn thấy được viết bằng tiếng Ả Rập – có nghĩa là “được phép” và “hợp pháp”.
Vậy, câu hỏi đặt ra là “được phép”, “hợp pháp” là gì? Halal yêu cầu “quá trình chuẩn bị thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng.
Điều này đơn giản có nghĩa là, nguồn thực phẩm, quá trình chuẩn bị, đóng gói phải là Halal và phù hợp với luật Shariah (các quy tắc Hồi giáo). Trong đó nguồn thịt hoặc gia cầm cũng phải từ động vật được cho phép tiêu thụ (gà, gia súc, cừu) và phải được giết mổ theo quy tắc Hồi giáo để biến chúng thành Halal…
Cần có tiêu chuẩn hóa trong khâu vệ sinh và đảm bảo sạch sẽ. Trong khi đó, động vật ăn thịt, động vật lưỡng cư (như ếch), côn trùng không phải là Halal. Còn về mặt chuẩn bị, bất kỳ sự nhiễm bẩn nào từ các nguyên tố bị cấm hoặc chất bẩn cũng khiến thực phẩm không phải là Halal…
Như vậy, áp dụng quy định trên, bà Wong Chia Chiann nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo luật Hồi giáo. Bên cạnh đó, các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền sản xuất…
Đánh giá về cơ hội cho doanh nghiệp, Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh – cho rằng, có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp vì Việt Nam là một địa chỉ đáng tin cậy trong sản xuất lương thực.
Bà Wong Chia Chiann cho biết: Để thúc đẩy ngành công nghiệp Halal ở Việt Nam, chúng tôi có thể đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam đưa các nhân sự, chuyên gia theo đạo Hồi giáo vào tổ chức của họ để phát triển chính sách Halal, ủy ban Halal nội bộ và giám sát quy trình Halal.
Đối với giải pháp lâu dài, Malaysia sẽ đề xuất xây dựng các nhân sự, chuyên gia trong nước về quy trình chứng nhận Halal, đặc biệt là trong cộng đồng Hồi giáo. Malaysia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi trong việc xây dựng một hệ sinh thái Halal tốt hơn tại Việt Nam…
Ông Nguyễn Tuấn – Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh: Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới có quy mô rất lớn khi phục vụ khoảng 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2027. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Tuy nhiên, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp ta vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Mỗi năm, nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. |