Theo một số nhà vườn trồng sầu riêng tại Cần Thơ, Tiền Giang,… hiện giá sầu riêng đang lên mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Như tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), giá sầu riêng Ri6 ngày 27/1 lên mức từ 105.000 – 125.000 đồng/kg, sầu riêng Thái giá 145.000 – 165.000 đồng/kg.
Trung Quốc ‘ăn hàng’, giá sầu riêng cao kỷ lục |
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc – Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), trước kia, giá sầu riêng đỉnh điểm cũng chỉ dừng ở 105.000 đồng/kg. Nhưng giữa tháng 1/2022, giá sầu riêng Thái đã vọt lên 170.000 – 190.000 đồng/kg, giá sầu riêng Ri6 140.000 – 160.000 đồng/kg. Hiện giá sầu riêng đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức 140.000 – 150.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Theo các nhà vườn, giá sầu riêng càng đắt đỏ thì hàng càng dễ bán. Trước kia loại sầu 3,5 hộc múi mới đạt tiêu chuẩn thu mua xuất khẩu, nay loại quả 2,5 hộc các vựa cũng gom mua sạch. Đến sầu riêng kem giờ cũng được giá.
Nguyên nhân khiến giá sầu riêng thời điểm này tăng cao là do tại khu vực miền Tây còn khoảng 1,5 tháng nữa mới rộ vụ thu hoạch. Thời điểm này vẫn chỉ là sầu trái vụ, sản lượng khan hiếm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc ‘ăn hàng’ nên giá tăng mạnh.
Những vùng trồng có mã số xuất khẩu sang Trung Quốc giá tốt, cao hơn giá nhà vườn trồng bình thường. Để mua được sầu riêng những vùng này, doanh nghiệp phải đặt cọc trước. Mặt khác, các công ty xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc phải đóng cả container nên nếu thiếu hàng, giá có tăng cao họ vẫn phải gom mua đủ số lượng.
Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát cho biết mỗi tháng, công ty xuất 1.000 tấn sầu riêng Việt Nam theo đơn đặt hàng của đối tác. Còn một công ty chuyên mua sầu riêng tại tỉnh Bình Phước cho hay, lần đầu xuất 1 container sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Nhưng mới đây, doanh nghiệp tiếp tục nhận được đơn hàng xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng Việt Nam.
Là một trong 25 doanh nghiệp Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng xuất thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group – cho hay, Vina T&T và Tập đoàn Sunwah (Hong Kong – Trung Quốc) đã ký kết xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường này. Dự kiến năm 2023 sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu là 90.000 tấn, khoảng 4.500 container.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, với trái sầu riêng, hàng năm, Trung Quốc chi khoảng 4,5 tỷ USD để nhập khẩu từ các nước. Việt Nam có lợi thế nhất định về địa lý gần, việc vận chuyển nhanh hơn nhiều nước nên loại quả này được kỳ vọng sẽ mang về lợi nhuận, doanh số cao cho ngành nông nghiệp. ‘Nếu tiếp cận tốt vào thị trường này, tận dụng lợi thế trồng quanh năm so với sầu riêng Thái Lan chỉ một vụ và đảm bảo chất lượng xuất khẩu thì giá trị sầu riêng mang về có thể đạt hơn 1 tỷ USD’, ông Nguyễn Đình Tùng nhận định.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, ước tính, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt gần 400 triệu USD, riêng xuất sang Trung Quốc ước đạt 300 triệu USD.
Hiện nay, Thái Lan đứng đầu danh sách các nhà cung cấp sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, chiếm 40% thị phần. Mới đây, theo freshplaza.com, Trung Quốc đã cho phép sầu riêng của Philippines được nhập khẩu vào nước này từ ngày 4/1/2023.
Tuy nhiên, sầu riêng Việt vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Bởi lẽ, cả sầu riêng Thái Lan và Philippines đều thu hoạch theo mùa, trong khi ở Việt Nam có nhiều vùng trồng với thời gian thu hoạch lệch nhau nên có hàng xuất khẩu quanh năm.
Cùng với đó, quãng đường vận chuyển sầu từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày, đảm bảo sầu riêng tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng của các đối thủ cạnh tranh.
‘Sầu riêng Thái Lan thường có độ cứng của múi thịt, trong khi người Trung Quốc, Việt Nam thích ăn sầu riêng chín cây, có độ mềm, thơm nên khi xuất khẩu sang đây, người tiêu dùng đánh giá rất cao’, ông Đặng Phúc – chia sẻ và cho biết, những lô sầu riêng khi vào Trung Quốc được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực do giá rẻ hơn sầu riêng Thái Lan, Malaysia, trong khi chất lượng không thua kém, thậm chí còn ngon hơn.
Dù đã ghi nhận những kết quả đầu tiên sau khi thị trường xuất khẩu chính ngạch cho trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc được khơi thông. Bên cạnh đó, sản lượng sầu riêng tại Việt Nam lên tới trên 1 triệu tấn. Tuy nhiên, theo các doanh nghiện, chuyên gia và nhà quản lý, Việt Nam cần làm tốt khâu vùng trồng, cơ sở đóng gói, giữ chất lượng ổn định để sầu riêng sẽ là loại quả ‘tỉ đô’ trong năm 2023 này.