Cá khô, cá hộp trở thành điểm sáng
Những ngày qua nhiều doanh nghiệp thủy sản thông báo kết quả kinh doanh và lợi nhuận sụt giảm từ đầu năm tới nay. Bức tranh thị trường phần lớn che phủ bởi gam màu xám khi mà kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở nhiều nước lớn.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường chủ lực tiếp tục giảm sâu trong tháng 4/2023 đã phản ánh sự tác động của lạm phát và suy giảm kinh tế ở các nước với nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh nhất, 53%, sang EU giảm 40%, Trung Quốc giảm 40%, Hàn Quốc giảm 30% và Nhật Bản giảm 15%. Chỉ có một số ít thị trường có tín hiệu tốt trong tháng 4. Trong đó, xuất khẩu sang Anh tăng nhẹ 1%, sang Nga tăng 25%, Israel tăng 21%, Brazil tăng 5%, đặc biệt sang Arap Xe út tăng 67%.
VASEP đánh giá, các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn trong tình trạng tăng trưởng âm trong tháng 4, trong đó xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất, âm 52%, tôm sụt giảm 35%, cá ngừ giảm 38% và mực bạch tuộc giảm 11%.
Các sản phẩm từ cá biển khác có xu hướng khả quan hơn vì chỉ giảm nhẹ 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu thủy sản sụt giảm thì sản phẩm cá khô, cá đóng hộp trở thành điểm sáng và ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ.
Số liệu từ VASEP cho thấy, riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá biển khô các loại tăng 65% đạt gần 26 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản phẩm này đã thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%.
5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá khô của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 56%, Nga chiếm 17%, Malaysia chiếm 8%, Hongkong chiếm 4% và Hàn Quốc chiếm 3%. Kết quả 4 tháng đầu năm nay cho thấy, chỉ có Malaysia giảm nhu cầu cá khô Việt Nam, 4 thị trường còn lại đều tăng nhập khẩu, trong đó Trung Quốc tăng tới 72%, Hongkong tăng 59%.
Ngoài ra nhiều thị trường khác cũng tăng nhập khẩu cá khô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm: cụ thể Đài Loan tăng 45%, Rumani tăng 90%, Australia tăng 10%, Lithuana tăng 61%.
Xu hướng tiêu dùng thay đổi
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, diễn biến xuất khẩu sản phẩm cá khô của Việt Nam đã cho thấy, rõ ràng là trong môi trường lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán của họ.
Theo đó, sản phẩm tươi/sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô và đóng hộp. Do vậy, các nhà cung cấp thủy sản bây giờ ngoài áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn thì còn phải quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm để kích thích nhu cầu. Ví dụ, với sản phẩm cá, nhiều nhà phân phối trên thế giới đang chú trọng cung cấp cá đã cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến…
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, theo bà Lê Hằng, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã rất linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, thị trường xuất khẩu phù hợp với diễn biến của năm 2023. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia các Hội chợ Thủy sản Quốc tế tại Mỹ, Tây Ban Nha và Nhật Bản trong những tháng qua. Điển hình như Triển lãm thủy sản toàn cầu tại Barrcelona, Tây Ban Nha mới diễn ra cuối tháng 4 vừa qua đã thu hút 38 công ty thủy sản Việt Nam tham gia, gấp đôi con số của năm 2022. Trong khuôn khổ triển lãm, Hiệp hội VASEP tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, đặc biệt chú trọng đến 2 mặt hàng chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra.
Ngoài hoạt động giao thương, năm nay, VASEP có tổ chức thêm hoạt động trình diễn món ăn được chế biến từ cá tra, tôm, cá ngừ, các mặt hàng giá trị gia tăng khác theo chủ đề “Healthy Convenience” với đầu bếp là người Việt Nam sinh sống và làm việc nhiều năm tại Tây Ban Nha.