Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2023 đạt gần 400,6 triệu USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 1,381 tỉ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ 2022.
Hành Ấn Độ củ tròn từ 3 cm trở lên giá chỉ 250 USD/tấn, trong khi của Việt Nam là 25.000 – 30.000 ngàn đồng/kg, mà còn nguyên bó, chưa cắt rời. |
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả trong tháng 4 đạt 151,6 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhập khẩu rau quả đạt 570 USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 3 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 418,7 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ 2022. Về nguồn cung rau quả cho thị trường Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023, dẫn đầu là Trung Quốc với 40,8% thị phần (tương đương 170,9 triệu USD); tiếp theo là Mỹ với 13,8% thị phần (tương đương 57,9 triệu USD).
Đáng chú ý, nhập khẩu rau quả từ thị trường Ấn Độ 3 tháng đầu năm 2023 với số 17,372 triệu USD, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 4,15% thị phần từ mức 1% năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – đánh giá, ngành rau quả Việt Nam xuất siêu nhưng với thị trường Ấn Độ, Việt Nam nhập siêu.
Như, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Ấn Độ 49,618 triệu USD, chủ yếu là thanh long nhưng nhập khẩu 53,452 triệu USD các loại: táo, lê, hàng gia vị (hành, tỏi,…). Ấn Độ là cường quốc về rau quả, nhiều mặt hàng có giá thành thấp, giá nhân công rẻ nên rất có lợi thế cạnh tranh; đặc biệt là mặt hàng hành, tỏi giá vô cùng rẻ nên được nhập khẩu về nhiều.
Hiện Việt Nam và Ấn Độ chưa có Hiệp định thương mại tự do trong lĩnh vực rau quả, hàng xuất nhập khẩu phải chịu thuế nên giao thương chưa xứng với tiềm năng.
Phía đối tác Ấn Độ rất muốn xuất khẩu nho, lựu sang Việt Nam còn Việt Nam muốn xuất khẩu thêm thanh long vào Ấn Độ. Muốn như vậy, cần có chính sách giảm thuế nhập khẩu từ 2 bên.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho biết, thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 3,69 tỷ USD giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2,06 tỷ USD tăng 1,2%; nhập khẩu đạt 1,63% triệu USD giảm 21,3% so với 3 tháng đầu năm 2022.
Một số mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng mạnh trong 3 tháng qua như: sắt thép các loại tăng 670,3% đạt 117 triệu USD so với 15,2 triệu USD cùng kỳ; xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 191,4 % đạt 15 triệu USD; xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị lớn nhất đạt 281,18 triệu USD tăng 75% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 220% so với cùng kỳ năm trước đạt 195,28 triệu USD; nhập khẩu hàng thủy sản tăng 93,9% đạt 108,49 triệu USD; nhập khẩu hàng rau quả tăng 284,1% đạt 17,37 triệu USD.