Thương hiệu giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, EU là thị trường xúc tiến xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU thì không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường EU mà còn có các điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu cũng như lan tỏa sản phẩm của doanh nghiệp ở các thị trường khác trên thế giới.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã ưu tiên rất nhiều các hoạt động trọng tâm với thị trường EU để giúp cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Đơn cử, một số những hoạt động mà Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung làm rất tích cực trong thời gian vừa qua là tổ chức hàng loạt các phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường EU để giúp cho các doanh nghiệp nhận biết được nhu cầu, xu hướng thị trường, các quy định, chính sách cập nhật của thị trường EU để có thể điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đồng thời, có những chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm phù hợp với thị trường EU.
Trong số các phiên tư vấn, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để thực hiện. Đơn cử, phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pháp tổ chức phiên tư vấn về thị trường gạo tại Pháp. Thông qua những phiên tư vấn này, doanh nghiệp cũng đã hiểu rõ hơn về các cách thức thâm nhập thị trường cũng như những yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định của thị trường để làm sao phát triển thương hiệu hàng hóa nói chung và thương hiệu mặt hàng gạo nói riêng hiệu quả hơn sang thị trường Pháp nói riêng và thị trường EU nói chung.
Bên cạnh các phiên tư vấn về thị trường thì Cục Xúc tiến thương mại cũng rất ưu tiên thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng tầm nhận thức cho doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU thông qua hàng loạt các chương trình, hội nghị, hội thảo, đào tạo và tập huấn.
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp rất chặt chẽ với hệ thống thương vụ Việt Nam tại khu vực EU để xây dựng và phát triển các showroom trưng bày hàng hóa cho doanh nghiệp tại trụ sở của các thương vụ Việt Nam tại EU. Đây cũng là một trong những kênh rất hữu hiệu cho các doanh nghiệp gửi những sản phẩm mẫu chất lượng và phù hợp với thị trường tới các thương vụ để các thương vụ hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá tới các đối tác tại EU.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại đã thực hiện hàng loạt các cuộc giao thương trực tuyến với các thị trường, trong đó có thị trường EU. Việc này giúp đẩy nhanh việc xuất khẩu sản phẩm và phát triển thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp. Qua các hoạt động kết nối giao thương, doanh nghiệp không chỉ kết nối, tìm kiếm được các nhà nhập khẩu mà còn giúp cho doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu mạnh mẽ với chi phí tiết kiệm.
Ngoài các hoạt động giao thương trực tuyến, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương trên cả nước thực hiện những kế hoạch, những chương trình, chiến lược giúp cho việc tuyên truyền quảng bá về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho địa phương, các doanh nghiệp ở thị trường EU.
Song song với đó, rất nhiều các hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp cũng được Cục Xúc tiến thương mại thực hiện thông qua việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội hoặc sử dụng những kênh truyền thông tại thị trường EU để giúp lan tỏa thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia lan tỏa rộng hơn ở thị trường EU rất giàu tiềm năng và triển vọng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro) chia sẻ, Hapro có thị trường trên 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và mỗi năm xuất khẩu trên 100 triệu USD.
Thị trường của Hapro rộng khắp nhưng thực tế vẫn có những thị trường chính, thị trường chiến lược, chủ lực và những thị trường ngách. Trong đó, EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần.
Đánh giá về hiệu quả của EVFTA đối với hoạt động của doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn nói, sau khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm của Hapro xuất khẩu nhận được lợi thế lớn là ưu đãi hơn về thuế. Đấy là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai là tiếng vang của Hiệp định EVFTA làm cho khách hàng quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn, nhất là những sản phẩm cùng cạnh tranh về giá và chất lượng lâu nay với một số các nước nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Nhất là sau khi Hapro lọt vào Top các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản lớn với các mặt hàng như gạo, hạt tiêu, hạt điều… Gần đây nhất, Hapro đã được Bộ Công Thương công nhận lần thứ bảy đạt Thương hiệu quốc gia, trong đó có sản phẩm gạo. Đối với thành tích xuất khẩu, khách hàng đã và đang càng quan tâm đến uy tín của Hapro nhiều hơn. Đây là những kết quả tích cực sau khi EVFTA có hiệu lực.
Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu từ thị trường Pháp
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cũng khẳng định, EVFTA đã tạo ra được một tiếng vang đã làm cho những nhà nhập khẩu, các đối tác quốc tế ở bên này quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.
Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp xây dựng thành công thương hiệu tại Pháp |
Đối với thị trường Pháp, dự kiến trong năm 2022, Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỷ Euro, trong đó EVFTA là một yếu tố rất quan trọng.
“Hiện Việt Nam là nhà cung cấp thứ 24 cho Pháp. Nếu theo đúng kịch bản hiện nay thì cho tới cuối năm 2022 Việt Nam sẽ trở thành top 20 nhà cung cấp hàng hóa cho Pháp. Tuy thị phần chỉ có 1%, nhưng thị phần này ta cũng không quá đặt nặng, bởi vì chỉ có 10 nhà cung cấp có thị phần trên 1% mà thôi và trong đó chỉ có duy nhất Đức và Trung Quốc có thị phần hai chữ số, lần lượt là 13% và 10%, còn lại tất cả đều chỉ có 5%, 7%, 2% và 1% như Việt Nam mà thôi” – ông Vũ Anh Sơn thông tin.
Về diện mặt hàng, Việt Nam có hai nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Pháp có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ Euro, đó là nhóm hàng giày dép và thiết bị viễn thông, nôm na là điện thoại, sau đó đến dệt may, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, đồ nội thất, thủy sản và các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa.
Riêng về nông sản năm 2021, trong số 500 top mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Pháp mới chỉ có 50 mặt hàng là nông sản, đạt 276 triệu euro trên tổng số hơn 5,5 tỷ euro là mặt hàng nông sản, tương đương với khoảng 5%, trong đó có thể kể đến như hạt điều, cà phê, tôm, các loại trái cây, cá phi lê và gạo.
Như vậy, có thể khẳng định một điều là hàng hóa Việt Nam rất đa dạng và có vị trí, tuy nhiên vẫn còn tập trung nhiều vào một số các mặt hàng chủ đạo. Những mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh của ta như hàng nông sản, thực phẩm vẫn chưa có nhiều, vì vậy tiềm năng để khai thác còn rất lớn.
Về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, hiện Lộc Trời là một trong những thương hiệu gạo đã tiếp cận hệ thống đại siêu thị tại châu Âu và tại Pháp thành công.
Còn lại tôi chưa thấy có doanh nghiệp nào chủ động thành công để đưa vào hệ thống đại siêu thị là phân khúc cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ tại Châu Âu. “Tuy nhiên ta cũng phải xác định một điều rằng xây dựng thương hiệu Việt Nam và tiếp cận vào cái hệ thống đại siêu thị không phải là câu chuyện cho tất cả các doanh nghiệp, mà chỉ dành cho một số nhỏ những doanh nghiệp có đầy đủ năng lực, có hiểu biết về thị trường và có một chiến lược phát triển bài bản” – ông Vũ Anh Sơn nói.