Xuất khẩu hồ tiêu vẫn thiếu vắng các tín hiệu tích cực

Xuất khẩu hồ tiêu vẫn thiếu vắng các tín hiệu tích cực

Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu tăng về lượng nhưng giảm về giá trị. Thiếu vắng các tín hiệu tích cực từ thị trường, dự báo, xuất khẩu hồ tiêu vẫn khó khăn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, tháng 6/2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 25 nghìn tấn, trị giá 92 triệu USD, giảm 13,6% về lượng, nhưng tăng 2,0% về trị giá so với tháng 5/2023, so với tháng 6/2022 tăng 3,4% về lượng, nhưng giảm 8,2% về trị giá.

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc gia tăng sức ép cạnh tranh?
Xuất khẩu hồ tiêu vẫn thiếu vắng các tín hiệu tích cực

Tính chung 6 tháng năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 156 nghìn tấn, trị giá 498 triệu USD, tăng 26,6% về lượng, nhưng giảm 11% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 6/2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.667 USD/tấn, tăng 18,1% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 11,3% so với tháng 6/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.184 USD/tấn, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022.

5 tháng năm 2023, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ hầu hết các nguồn cung lớn, ngoại trừ Việt Nam (tính theo lượng).

Số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hồ tiêu từ Indonesia đạt 1,6 nghìn tấn, trị giá 6,65 triệu USD, giảm 12,6% về lượng và giảm 27,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần hồ tiêu của Indonesia trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 46,6% trong 5 tháng đầu năm 2022 lên 52,64% trong 5 tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, Trung Quốc tăng nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam, tăng 3,1% về lượng, đạt 1,2 nghìn tấn, nhưng tính theo trị giá giảm 17,6%, xuống xấp xỉ 4,31 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2023. Thị phần hồ tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 29,54% trong 5 tháng đầu năm 2022 lên 39,39% trong 5 tháng đầu năm 2023.

Tại thị trường trong nước, tháng 6/2023, giá hồ tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh so với cuối tháng 5/2023 do nhu cầu từ Trung Quốc giảm.

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc thu mua liên tục từ đầu năm đến nay (đạt gần 50 ngàn tấn) cho thấy có thể nguồn hàng dự trữ đã được Trung Quốc mua gần đủ nên họ chưa cần thiết mua thêm.

Bên cạnh đó, việc EU đưa ra quyết định không nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản được trồng trên đất từ phá rừng cũng tác động tiêu cực lên giá hồ tiêu.

Dự báo thị trường hồ tiêu toàn cầu chịu sức ép khi sản lượng của Việt Nam dự báo tăng, trong khi giới đầu cơ có xu hướng chuyển sang thu mua cà phê.

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường EU và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới khi tình hình khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang tiếp diễn.

Mặt khác, khách mua hàng có tâm lý chờ vụ mới từ Indonesia vào tháng 7, với hy vọng giá giảm nên giao dịch từ thị trường EU và Hoa Kỳ chưa sôi động và thị trường đang có sự giằng co giữa người mua và người bán.

Người mua cũng cho rằng mức giá hiện nay chưa hấp dẫn, chưa cạnh tranh, cộng thêm tâm lý chờ hàng vụ mới của Indonesia, Brazil có thể đẩy giá xuống. Sau khi hai nước này vào vụ thu hoạch sẽ có đánh giá sát thực tế về vụ mùa để cân nhắc giao dịch.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng khuyến cáo, với tâm lý chờ đơn hàng từ thị trường các doanh nghiệp cần tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa, với giá thấp.

Nguyên nhân là khi các nước vào vụ, giá xuống và khi giá lên không mua đủ để giao xa, gặp rủi ro và tổn thất như đã xảy ra trong vụ mùa 2022, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh.

Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí