Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), ước tính, 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng trên 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng thu về trên nửa tỷ USD |
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) – cho biết, xuất khẩu sầu riêng những tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt, trước hết là nhờ nhu cầu vẫn cao từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, sản lượng sầu riêng đầu năm nay tăng nhờ người trồng sầu riêng ở nhiều tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long… áp dụng thành công kỹ thuật cho sầu riêng ra hoa trái vụ.
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, quý I/2024, Trung Quốc thông qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan đã nhập khẩu 48.000 tấn sầu riêng, trị giá 1,85 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,56 triệu USD). Trong số đó, lượng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam có đà tăng mạnh, đạt 35.000 tấn, trị giá 1,28 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,77 triệu USD).
Năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023.
Liên quan đến việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này, ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, sau khi nhận được cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp rà soát. Cùng với đó, lập đoàn kiểm tra đi lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng có trong danh sách cảnh báo nhiễm cadimi.
Đoàn đã kiểm tra kỹ lưỡng từ mẫu đất, nước, phân bón, vật tư, thuốc kích thích sinh trưởng, hóa chất xử lý sầu riêng… Kết quả, không phát hiện mẫu nào vượt ngưỡng cadimi như Trung Quốc cảnh báo.
Ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay, Cục Bảo vệ thực vật đang tổng hợp thông tin để báo cáo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó sẽ tổ chức họp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc; họp báo thông tin rộng rãi tới người dân và cơ quan chức năng trong nước.
Theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, do đó, ông Huỳnh Tấn Đạt đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.
Để sầu riêng Việt Nam đứng vững được trên thị trường thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc, trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Thái Lan, Malaysia… ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, việc đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.
Trước tình trạng tăng trưởng “nóng” về diện tích sầu riêng ở nhiều tỉnh và trên cả nước, ông Hoàng Trung yêu cầu, trong thời gian tới, các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các địa phương rà soát lại những vùng trồng sầu riêng xem những nơi nào phù hợp để tiếp tục phát triển cây trồng này, rà soát lại toàn bộ quy trình canh tác sầu riêng. Đặc biệt, phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi, tiêu chuẩn này phải mang tính pháp lý để có cơ sở cho các cơ quan thẩm quyền, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở vi phạm.
Các địa phương phải tăng cường giám sát tất cả các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để chất lượng của các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói luôn được duy trì, khẩn trương xác minh, khắc phục những sai sót ở các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói bị cảnh báo. Đồng thời thúc đẩy việc hình thành các chuỗi giá trị sầu riêng bền vững trên địa bàn.
Hiện sầu riêng quả tươi của Việt Nam đang xuất khẩu đến 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; sầu riêng đông lạnh đang xuất khẩu đến 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang đàm phán xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang thị trường Ấn Độ và sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc. |