Doanh nghiệp logistics hưởng lợi từ EVFTA
Chia sẻ về kết quả xuất khẩu hàng hóa sau 2 năm EVFTA có hiệu lực, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương thông tin, trong hai năm vừa qua, khi cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trải qua đợt đại dịch rất phức tạp thì tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt hai con số: năm 2021 tăng trưởng khoảng 14% và 8 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng khoảng 15%.
Riêng về xuất khẩu hàng hóa thì năm 2021 đã tăng trưởng khoảng 14% và 8 tháng năm 2022 đã tăng trưởng trên 20%.
“Một điểm rất quan trọng trong thực thi EVFTA chính là khả năng tận dụng các ưu đãi rất cao. Ví dụ như năm 2021, tỷ lệ tận dụng C/O đãi khoảng 14% nhưng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi phải lên đến gần 25%” – ông Ngô Chung Khanh nói.
Kết quả thương mại hai chiều giữa hai bên có vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp logistics. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ, EU là một trong những thị trường truyền thống của Việt Nam. Sau khi chúng ta ký EVFTA thì khối lượng thương mại hàng hóa trao đổi cũng gia tăng rất nhiều và đặc biệt trong đó thì có những mặt hàng có khối lượng vận chuyển lớn, ví dụ như dệt may, da giày, thủy sản… Để đưa được những mặt hàng này đến được khu vực thị trường của EU với chi phí hợp lý và giá thành cạnh tranh, đảm bảo thời gian thì có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Nguyên nhân là bởi khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và EU có thể nói cũng là một vấn đề trong quan hệ thương mại giữa hai bên. Thời gian qua, chúng ta cũng đã chứng kiến những sự cố như là vụ tắc nghẽn kênh đào Suez. Đấy cũng là yếu tố tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, về tổng thể thì chúng ta thấy rằng, các doanh nghiệp logistics đã sự đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai bên.
Ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển |
Trong đó, về phía EU, có thể thấy rằng các doanh nghiệp logistics của EU có một lợi thế là quy mô lớn, kinh nghiệm hoạt động lâu năm, trong đó có những doanh nghiệp lớn của EU hiện nay cũng đã có mặt tại Việt Nam như DHL, Maersk…
Còn về phía Việt Nam, các doanh nghiệp logistics chủ yếu nằm trong lĩnh vực về giao nhận và các thủ tục để có thể giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện công đoạn xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Sự kết hợp giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam với doanh nghiệp của EU cũng còn đang ở trong giai đoạn mà chúng ta cố gắng thiết lập để có thể có sự kết hợp chặt chẽ, giúp đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động logistics cũng như là hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU.
Về phía các doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật – Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group chia sẻ, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam. Đặc biệt là cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thì các doanh nghiệp của EU đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics có thêm việc làm và doanh thu trong giai đoạn Covid-19.
Bản thân các doanh nghiệp như Bee Logistics cũng đi trước đón đầu, hợp tác với các hãng lớn để làm thầu phụ cho họ, để gia tăng sự hiện diện của doanh nghiệp logistics Việt Nam với các doanh nghiệp của châu Âu.
Nhìn chung, các cam kết của EVFTA trong lĩnh vực dịch vụ so với một số các hiệp định khác có nhiều điểm nổi bật hơn, có mức độ mở cửa thị trường cao hơn một số hiệp định khác, kể cả CPTPP.
Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh cũng chia sẻ, đối với thách thức, những cam kết từ EVFTA đối với ngành dịch vụ như logistics là không ít.
Thứ nhất, thách thức đầu tiên là thách thức từ cạnh tranh. Khi chúng ta mở cửa thêm thì các doanh nghiệp logistics EU vào Việt Nam thì cơ hội ở một số dịch vụ sẽ mất đi.
Thứ hai là doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh lẫn nhau để dành nguồn hàng.
Cuối cùng là doanh nghiệp logistics vốn không mạnh về vốn, công nghệ và đặc biệt là nhân lực.
Đồng tình với ông Ngô Chung Khanh, ông Mai Trần Thuật nói, chắc chắn là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những sự cạnh tranh trong nội bộ các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như chịu sự cạnh tranh từ phía nước ngoài, khi mà các tập đoàn lớn của EU đầu tư vào Việt Nam và hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Giải pháp nào cho các doanh nghiệp logistics
Chia sẻ về những giải pháp của doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật nói, Bee Logistics đã đẩy mạnh kết nối với đối tác là những công ty lớn của EU để là một phần trong chuỗi cung ứng của họ thì tại thị trường Việt Nam. Để làm được điều này, doanh nghiệp đã phải chuẩn bị rất nhiều nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực để tiếp cận công việc trong bối cảnh mới.
Đối với nguồn nhân lực, hiện Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, Hiệp hội Logistics Việt Nam để giải quyết bài toán nhân sự cho ngành logistics. Doanh nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở ra những lớp đào tạo dần những thế hệ kế cận trong ngành logistics.
Hiện Bee Logistics cũng đang tìm đối tác để hợp tác, thậm chí đặt các văn phòng đại diện ở châu Âu để tiếp cận trực tiếp nguồn khách hàng từ phía châu Âu, hoặc liên doanh liên doanh liên kết với doanh nghiệp, học tập công nghệ hiện đại của họ để áp dụng vào công việc của mình.
Ông Trần Thanh Hải khẳng định, với một thị trường có quy mô rộng lớn cũng như tốc độ tăng trưởng lên đến 24% như khu vực EU thì đây là cơ hội hết sức to lớn cho cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp logistics.
Nhưng phải khẳng định rằng trong hoạt động logistics thì tương quan giữa các doanh nghiệp Việt Nam và EU cũng chưa đồng đều. Do đó,doanh nghiệp phải nhận biết được vị trí của mình để có sự phấn đấu và vươn lên, thông qua sự liên doanh, liên kết; hoặc có thể bắt đầu từ vai trò đại lý cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
Bên cạnh đó, có thể nói logistics là một lĩnh vực có tiềm năng lớn trong ứng dụng công nghệ. Đây cũng là một trong những chìa khóa để giúp cho doanh nghiệp logistics của chúng ta có thể nâng cao được hiệu quả hoạt động và tăng sức cạnh tranh. Trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp như vậy, cạnh tranh mạnh mẽ như vậy, doanh nghiệp nào dựa được vào công nghệ, ứng dụng được công nghệ tốt thì sẽ có cái khả năng vượt trội và vươn xa hơn.
Về phía Nhà nước, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics một cách dài hạn hơn so với kế hoạch hành động trước đây, đặt một cơ sở, nền móng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics của chúng ta vươn ra thị trường thế giới tốt hơn nữa.