Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, tình hình chung hiện nay tác động rất lớn đối với những ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành da giày. Tổng kim ngạch xuất khẩu da giày tháng 9/2022 đạt 2 tỷ USD, giảm 30% so với tháng 8/2022 (2,6 tỷ USD), điều này đã đúng với dự báo của hiệp hội 3 tháng trước đây.
Nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra là do sang đến quý IV/2022 mức độ sụt giảm đơn hàng do tình hình lạm phát và sức mua các mặt hàng thời trang trong đó có giày dép ở các thị trường ở mức cao đã gây chững lại hoạt động xuất nhập khẩu. Nhất là biến động tại 5 thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Những thị trường này chiếm tới 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam.
Hiện chỉ những doanh nghiệp có khách hàng truyền thống còn duy trì được đơn hàng tuy nhiên không được như kỳ vọng. Thông thường như mọi năm, thời điểm hiện tại doanh nghiệp xuất khẩu sang những thị trường truyền thống đã ký đơn hàng đến hết quý II năm sau nhưng với tình hình hiện nay, ngay cả khách hàng cũng chậm lại để đánh giá tình hình. Nên các đơn hàng được ký cầm chừng, thực hiện xong đơn trước mới ký đơn sau chứ không ký đơn hàng cho một thời gian dài.
Đơn giá của hàng hoá xuất khẩu cũng không tăng, nếu có chỉ tăng ở mức rất thấp và doanh nghiệp phải chứng minh được tại sao tăng và có sự cạnh tranh rất quyết liệt.
Xuất khẩu da giày tháng 9/2022 giảm 30% so với tháng 8/2022 |
Bên cạnh tình trạng suy giảm đơn hàng, đơn giá, khan hiếm cũng như khó khăn trong nhập khẩu nguyên phụ liệu là nỗi lo của doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó nữa là chi phí đầu vào hiện tăng quá cao, như: Chi phí logistics, chi phí nhân công và sự khan hiếm lao động.
Song theo bà Phan Thị Thanh Xuân, nhìn lại 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày vẫn đạt được 21 tỷ USD – con số này cao hơn so với cả năm 2021. Như vậy có thể nói, những tháng cuối năm xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhưng ngành vẫn có thể đạt được kế hoạch đề ra.
“Dự kiến kịch bản tốt đẹp nhất của xuất khẩu da giày năm 2022 là 23-25 tỷ USD. Trong khi 9 tháng đã đạt 21 tỷ USD, còn 3 tháng nữa khả năng đặt ra là sẽ đạt được, mặc dù có sự sụt giảm của quý IV/2022”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Biến động tỷ giá hiện nay, theo lãnh đạo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng từ đầu và giữa năm, quý IV chỉ đang triển khai nên biến động tỷ giá chưa ảnh hưởng ngay lập tức nhưng về lâu dài sẽ có. Bởi lẽ, đa số các doanh nghiệp sử dụng USD để thanh toán, đối với xuất khẩu vì thu ngoại tệ nên sẽ có lợi nhưng nhập khẩu bất lợi (đặc biệt bất lợi với da thuộc do phải nhập khẩu hầu hết, 9 tháng nhập khẩu 1,2 tỷ USD).
Về việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do của ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được các doanh nghiệp tận dụng rất tốt, lên tới trên 90%. Riêng với Hiệp định CPTPP hầu như thị trường nào cũng tăng trưởng, đặc biệt Canada tăng rất mạnh, tới 65%, khối thị trường Bắc Mỹ chiếm tới 46% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là một yếu tố giúp tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày rất tốt từ đầu năm đến nay.
Tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất, lãnh đạo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam thông tin thêm: Thực tế, nguồn cung nguyên liệu không khó khăn với doanh nghiệp lớn do chuỗi cung lớn nhưng khó với doanh nghiệp nhỏ vì đơn hàng đơn lẻ không nhập được. Để khắc phục, doanh nghiệp cần đa dạng hoá nguồn cung nhất là nguồn cung trong nước. Doanh nghiệp bắt buộc phải tìm kiếm thêm khách hàng để không bị lệ thuộc vào một vài khách hàng truyền thống tránh rủi ro do họ có thể rời đi.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng quản lý để tiết kiệm giảm chi phí, tăng khả năng hội nhập.
Bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam: Tình hình khó khăn sẽ kéo dài từ nay đến hết quý I/2023 và thị trường sẽ dần khôi phục trở lại. |