Hàng tồn đầy kho, lao động cắt giảm trên 50%
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022, khi đến các cơ sở sơ chế, chế biến gỗ nguyên liệu rừng trồng và sản xuất gỗ ghép thanh tại tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đồng Nai, chúng tôi chứng kiến những nhà xưởng chế biến gỗ nguyên liệu im lìm không hoạt động.
Tại Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu Lâm sản Hải Oanh (ở thôn Yên Thái, xã Tế Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), những chồng gỗ ghép thanh nối nhau san sát từ ngoài đường vào trong nhà xưởng.
Những chồng gỗ ghép thanh nối nhau san sát từ ngoài đường vào trong nhà xưởng tại Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu Lâm sản Hải Oanh |
Ông Đỗ Văn Hải – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu Lâm sản Hải Oanh – cho biết, doanh nghiệp có hai hợp phần là gỗ ghép thanh và dăm gỗ.
Trong đó, gia nhập thị trường gỗ ghép thanh vào năm 2018 – khi thị trường đang có nhu cầu lớn, lúc đó, thị trường đắt khách nhưng chúng tôi vẫn còn “bỡ ngỡ”. Bước sang năm 2020, 2021 thị trường vẫn còn túc tắc đơn hàng do nhu cầu sản xuất, chế biến mặt hàng đồ gỗ nội thất và gỗ ngoài trời xuất khẩu tăng cao. Tuy nhiên, bắt đầu sang năm 2022, khi đã quen với thị trường thì đơn hàng gần như dừng hẳn. Đặc biệt, bắt đầu từ quý I/2022 là chúng tôi không bán được nữa.
Nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu Lâm sản Hải Oanh “ìm lìm”, không hoạt động |
Lý giải nguyên nhân về tình trạng này, ông Đỗ Văn Hải cho hay, chúng tôi sản xuất và bán cho công ty thương mại trong thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Tại đây, họ có các nhà máy sản xuất chế biến sâu về tủ quần áo, đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU.
Lạm phát cao, kinh tế suy thoái tại các quốc gia này khiến phần đông người dân tại các thị trường này ưu tiên vào tiêu dùng lương thực, thực phẩm và có xu hướng giảm chi tiêu vào những mặt hàng xa xỉ. Đồ gỗ được coi là mặt hàng không thiết yếu, nên sản phẩm này hiện rất khó tiêu thụ. Do không xuất khẩu sản phẩm được nữa, nên các nhà máy chế biến đồ gỗ ngừng mua gỗ nguyên liệu.
Hiện tại chúng tôi đang tồn khoảng 1.400 m3 gỗ ghép thanh tương đương với đọng vốn khoảng 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang phải sức ép rất lớn. Hàng hóa không bán được, vẫn phải trả lãi vay và nhiều khoản chi phí khác. Công ty cũng đã phải cắt giảm lao động 80% từ thời điểm hết quý I/2022.
Bức tranh ngành gỗ ghép thanh tại Đồng Nai cũng tương tự. Tại Công ty TNHH Mộc Quyết Thắng (ở khu phố 8 – phường Long Bình, thành phố Biên Hòa), mặt hàng gỗ ghép thanh cũng đang chất đầy kho. Bà Nguyễn Hoàng Lý – Giám đốc Công ty Mộc Quyết Thắng – chia sẻ, sự ảm đạm thị trường ván ghép thanh đã diễn ra gần 1 năm nay. Tuy nhiên, thông tin thị trường thường theo chậm hơn diễn biến thực tế của doanh nghiệp.
Cũng theo bà Nguyễn Hoàng Lý, tại phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa có một làng nghề cưa xẻ cực lớn nhằm phục vụ nhu cầu cho hầu như cả miền Nam về phôi nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu. Nhưng đến nay, rất nhiều người trong làng nghề này đã phải trả xưởng, ngưng sản xuất.
Hàng tồn chất đầy trong kho tại Công ty TNHH Mộc Quyết Thắng |
Cố gắng cầm cự từ những đơn hàng sản xuất, xuất khẩu nhỏ nhằm duy trì và giữ chân công nhân. Bà Nguyễn Hoàng Lý cho biết, thị trường gỗ ghép thanh ổn định trong vòng 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý, thời điểm dịch Covid-19, thị trường gỗ ghép thanh phát triển rất tốt, có thời điểm sản xuất không kịp để bán và không có tình trạng tồn nguyên liệu trong kho.
Tình trạng “rớt” đơn hàng, giảm sút sản lượng cũng đã diễn ra 8 tháng nay. Bởi đầu ra của gỗ ghép thanh là làm hàng bàn ghế tủ giường, xuất đi Hoa Kỳ, EU. Kinh tế suy thoái tại các thị trường này khiến “tắc” đầu ra của gỗ ghép thanh, đơn hàng không có để xuất khẩu.
Đơn hàng giảm trên 50% và những đơn hàng còn tồn mà khách hàng đã đặt trước đó đối tác cũng giãn, hoãn giao hàng. Xuất khẩu cực kỳ nhỏ giọt. Nguồn vốn quay vòng cực kỳ khó khăn. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Do đó, doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn kép cả về tài chính, đơn hàng và thị trường.
Tình trạng sản xuất gỗ ghép thanh tại Công ty TNHH thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú cũng tương tự |
Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đầu ra của các doanh nghiệp làm gỗ ghép thanh cũng rất ảm đạm. Bà Lưu Phụng Linh Tiên – Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú (ở tại Cụm Công nghiệp Bình Nguyên, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) – chia sẻ, hiện đơn vị đang còn tồn 800 m3 gỗ ghép thanh. Lực lượng lao động công nhân trong nhà máy cũng đã cắt giảm đến 80%.
Hiện doanh nghiệp chỉ duy trì 1 nhóm nhỏ lao động. Dù rất tiếc nhưng chúng tôi đành phải cho lao động nghỉ việc. Những người lao động mất việc làm sẽ đi tìm công việc mới, đến khi doanh nghiệp có đơn hàng, thị trường khởi sắc trở lại thì việc tuyển dụng lao động rất khó và phải mất công đào tạo. “Xưởng xẻ dừng từ tháng 10 vừa qua, xưởng ghép dừng từ tháng 9. Thời điểm này chỉ còn một ít thợ xẻ gỗ to do máy hộp không xẻ được. Những loại gỗ này bắt buộc phải xẻ, nếu để sẽ bị hư gỗ”, bà Lưu Phụng Linh Tiên cho biết.
Doanh nghiệp trong tình trạng “ngủ đông”
Sản xuất gỗ ghép thanh cho lợi nhuận cao gấp đôi so với làm dăm gỗ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có đầu ra cho sản phẩm chế biến sâu hay không. Bức tranh ngành gỗ ghép thanh thời điểm này thiếu gam màu sáng. Một số doanh nghiệp chỉ duy trì làm cầm chừng khi có đơn hàng sản xuất, xuất khẩu; một số doanh nghiệp trong tình trạng dừng hẳn bởi càng sản xuất càng lỗ.
Trước đây, giá bán gỗ ghép thanh 12 triệu đồng/m3 (năm 2021), nhưng nay nhiều doanh nghiệp chào bán tại thị trường với mức giá 8 – 9 triệu đồng/m3, đây là mức dưới giá thành để thu hồi vốn. Tuy nhiên, họ cũng không bán được. Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân không phải do về giá cả mà do vấn đề không có thị trường đầu ra.
Theo ông Đỗ Văn Hải, nếu thị trường gỗ nguyên liệu “ấm” lên, thì phải mất 6 – 8 tháng sau mới giải quyết hết hàng tồn, khi đó hoạt động sản xuất mới khôi phục được về trạng thái bình thường như trước đây.
Nhưng nếu tình trạng ngành sản xuất đồ gỗ “đóng băng” kéo dài, nguy cơ công ty không cầm cự được. Hiện tại ở Thanh Hóa đã có một số nhà máy chuyên sản xuất gỗ ghép thanh đang lâm vào tình thế phá sản phải rao bán nhà máy.
Thời điểm tháng 7/2022, tại Công ty TNHH thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú, công nhân vẫn duy trì lao động lượng nhỏ |
Còn thời điểm hiện tại, nhà xưởng vắng tiếng máy cắt gỗ, tiếng máy xẻ gỗ |
Trong khi mặt hàng ván ghép thanh tụt giảm thê thảm thì dăm gỗ đang “hút hàng”. Bà Hoàng Thị Lý cũng lo ngại nếu tình hình dăm gỗ tiếp tiếp tục tăng giá và chiếm lĩnh nguyên liệu của phôi xuất khẩu thì viễn cảnh sắp tới là rất khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất đó là nguồn nguyên liệu sắp tới để chuẩn bị cho các đơn hàng sắp tới nếu kinh tế tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU hồi phục.
“Cây tròn cắt về giá cao do sức hút từ thị trường dăm gỗ, gỗ ghép thanh không có đơn hàng xuất khẩu nên giá giảm. Theo dự báo của EU, Hoa Kỳ, kinh tế sẽ suy giảm đến hết năm sau, khả năng sẽ hồi phục lại. Nếu tình hình dăm gỗ tiếp tiếp tục tăng giá và chiếm lĩnh nguyên liệu của phôi xuất khẩu”, bà Hoàng Thị Lý lo ngại.
Chuyên làm mảng cung cấp gỗ nguyên liệu, việc chuyển sang định hướng mới cũng khó khăn. Ngành dăm gỗ đang “hot”, nếu chuyển sang dăm gỗ nhiều doanh nghiệp gỗ ghép thanh đặt câu hỏi liệu có còn kịp không, và trong một vài năm tới ngành dăm gỗ sẽ còn phát triển nữa hay không?
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức “ngủ đông” để đợi thị trường ấm dần. Tuy nhiên, sự chờ đời này đến khi nào và trong bao lâu thì tùy thuộc vào nguồn lực của mỗi doanh nghiệp. “Cố gắng duy trì hoạt động khoảng 50%. Tiền hàng về thì nhỏ giọt và chậm, nhưng chúng tôi duy trì trả lãi ngân hàng và lương công nhân. Hầu hết công ty nào cũng gặp khó khăn như vậy”, bà Nguyễn Hoàng Lý cho biết thêm.
Gỗ ghép thanh là một trong những hợp phần quan trọng của ngành gỗ. Sản phẩm này được đưa vào để chế biến các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất để xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… |