Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34.336 triệu USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.
Tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin đạt hơn 2,2 tỷ USD |
Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021 và đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Số doanh nghiệp công nghệ số đang thực sự hoạt động 44.000 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD; xuất siêu hơn 26 tỷ USD (trong khi năm 2021, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD). Khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.
Đặc biệt, lần đầu tiên doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của 1 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD. Tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin đạt hơn 2,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn tăng cường đầu tư R&D tại Việt Nam: Năm 2022, đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chuyển hướng từ đầu tư cho gia công sản xuất sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D tại Việt Nam,…
Trong lĩnh vực công nghiệp ICT, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường hoạt động trao đổi thông tin, gắn kết chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ số của các lĩnh vực để nắm bắt được các xu hướng chính của cộng đồng, các khó khăn, kiến nghị đề xuất; là dữ liệu đầu vào cho xây dựng các chiến lược, chính sách.
Đồng thời, đặt hàng cách giải bài toán Việt Nam cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; thực hiện vai trò kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngoài việc thành lập cơ quan chuyên trách về quản lý và thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế với một số quốc gia phát triển về công nghiệp ICT.
Điển hình, như ký Biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan xúc tiến công nghiệp công nghệ thông tin quốc gia (NIPA) của Hàn Quốc và Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (trên cơ sở ủy quyền của 02 Bộ) về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ICT; hoạt động phối hợp xây dựng chính sách với Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc trong khảo sát và đánh giá kết quả xây dựng, triển khai các chính sách phát triển công nghiệp ICT tại Hàn Quốc…
Cùng với đó, là triển khai chuỗi hoạt động phát triển thị trường cho sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin như: Hội thảo, triển lãm về doanh nghiệp và sản phẩm Make in Viet Nam năm 2022 tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề giải pháp công nghệ thông tin cho lĩnh vực nông nghiệp; Hội thảo kết nối cung cầu công nghiệp – công nghiệp công nghệ số khu vực miền Trung diễn ra tại Quảng Ngãi; tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV và Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2022.
Ra mắt một số sản phẩm/cơ sở nghiên cứu trọng điểm trong năm 2022: Thiết bị 5G đã thành công trong nghiên cứu – phát triển và sẵn sàng thương mại hóa thiết bị 5G. Hiện các thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất đã được lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ mạng cho người dân sử dụng ở một số khu vực như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2022, Tập đoàn Samsung khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội. FPT Semiconductor chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm IoT cho lĩnh vực y tế…