Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, 11 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 614,76 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 1,35 tỷ USD, giảm 8,6% về lượng, nhưng tăng 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thịt và các sản phẩm từ thịt được nhập khẩu từ 55 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.
Thịt heo nhập khẩu |
Trong 11 tháng năm 2022, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với 141,88 nghìn tấn, trị giá 455,01 triệu USD, tăng 48,4% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Các chủng loại thịt nhập khẩu trong 11 tháng năm 2022 chủ yếu gồm: thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là đùi gà đông lạnh, thịt gà tươi đông lạnh…); Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong đó, lượng thịt gia cầm, thịt heo giảm; nhập khẩu thịt bò, thịt trâu tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Thời gian qua, nhập khẩu thịt heo liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu thấp. Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 100,52 nghìn tấn thịt heo (HS 0203), trị giá 214,85 triệu USD, giảm 32,4% về lượng và giảm 37,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thịt heo được nhập khẩu từ 31 thị trường trên thế giới. Trong đó, Brazil, Nga, Đức, Canada và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam. Trừ Brazil, nhập khẩu thịt heo từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 11 tháng năm 2022, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam với 37,61 nghìn tấn, trị giá 82,57 triệu USD, tăng 26% về lượng và tăng 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.