Trên cơ sở kết quả Phiên họp Tiểu ban Quy tắc xuất xứ lần thứ 41 (SC-AROO 41) và Ủy ban điều phối thực thi Hiệp định ATIGA (CCA 41), Tổng cục Hải quan vừa hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố liên quan đến áp dụng C/O mẫu D.
Hoạt động nghiệp vụ của công chức ngành Hải quan |
Cụ thể, về mã số HS trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các nước thành viên chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O bản giấy, C/O điện tử và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sử dụng mã HS 2017 được cấp đến ngày 31/3/2023.
Kể từ ngày 1/4/2023, các nước thành viên sẽ khai báo mã số HS 2022 trên chứng từ chứng nhận xuất xứ.
Về C/O cấp sau nhưng không đáp ứng quy định (không đánh dấu vào ô cấp sau “Issued Retroactively” tại ô số 13 trên C/O), Tổng cục Hải quan thông tin, đối với trường hợp C/O điện tử, cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra tính hợp lệ của C/O, đối chiếu với tờ khai hải quan và bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, nếu không có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa thì xem xét chấp nhận C/O theo quy định.
Đối với trường hợp C/O bản giấy, cục hải quan các tỉnh, thành phố chưa thực hiện từ chối, gửi báo cáo về Cục Giám sát quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan để thực hiện xác minh.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương tổng hợp số lượng C/O bản giấy từ các nước ASEAN theo từng tháng và tổng hợp số lượng chứng từ tự chứng nhận xuất xứ từ các nước ASEAN theo từng tháng được cơ quan Hải quan xem xét chấp nhận.