Xuất khẩu phân bón quý I/2023 sụt giảm 40,2% kim ngạch

Xuất khẩu phân bón quý I/2023 sụt giảm 40,2% kim ngạch

Quý I/2023 cả nước xuất khẩu 404.912 tấn phân bón các loại, tương đương 183,58 triệu USD, giá trung bình 453,4 USD/tấn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2023 cả nước xuất khẩu 404.912 tấn phân bón các loại, tương đương 183,58 triệu USD, giá trung bình 453,4 USD/tấn, giảm 14,6% về khối lượng, giảm 40,2% về kim ngạch và giảm 30% về giá so với quý I/2022.

Riêng tháng 3/2023 xuất khẩu 126.638 tấn phân bón các loại, đạt 54,62 triệu USD, giá 431,3 USD/tấn, giảm trên 16% cả về khối lượng và kim ngạch nhưng tăng nhẹ 0,2% về giá so với tháng 2/2023; So với tháng 3/2022 thì tăng 4,2% về lượng, nhưng giảm 16,4% kim ngạch và giảm 19,7% giá.

Xuất khẩu phân bón quý I/2023 sụt giảm 40,2% kim ngạch
Năm 2023 được nhận định là một năm khó khăn với xuất khẩu phân bón

Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm 26% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 105.480 tấn, tương đương 47,63 triệu USD, giá trung bình 451,5 USD/tấn, tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 2,2% kim ngạch và giá giảm 9,3% so với quý I/2022. Riêng tháng 3/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 44.111 tấn, tương đương 18,05 triệu USD, giá trung bình 409 USD/tấn, tăng 56,9% về lượng và tăng 37,4% kim ngạch, nhưng giá giảm 12,4% so với tháng 2/2023.

Đứng sau Campuchia là thị trường Hàn Quốc đạt 44.418 tấn, tương đương 16,77 triệu USD, giá trung bình 377,5 USD/tấn, tăng mạnh 46,3% về lượng, nhưng giảm 27% kim ngạch và giảm 50% về giá, chiếm 11% trong tổng khối lượng và chiếm 9,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 29.876 tấn, tương đương 10,18 triệu USD, giá trung bình 340,6 USD/tấn, giảm 23,4% về lượng, giảm 34,7% kim ngạch và giá giảm 14,7%, chiếm 7,4% trong tổng khối lượng và chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 219.925 tấn, tương đương 96,5 triệu USD, giảm 4,1% về lượng, giảm 23,6% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 31.944 tấn, tương đương 11,18 triệu USD, giảm 33% về lượng, giảm 48% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 173.439 tấn, tương đương 78,73 triệu USD, giảm 8,9% về lượng, giảm 19,2% kim ngạch.

Nhận định thêm về tình hình xuất khẩu phân bón của năm 2023, Tiến sĩ Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, quý I cũng như cả năm 2023 sẽ là một năm khó khăn với xuất khẩu phân bón.

Tình hình xuất khẩu phân bón 3 tháng đầu năm của Việt Nam gặp khó khăn. Giá phân bón, nhất là giá ure xuống thấp khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng hàng tồn kho nhiều, thậm chí càng xuất khẩu càng lỗ. Nếu như thời điểm tháng 1/2022, giá ure xuất khẩu lên tới xấp xỉ 1.000 USD/tấn, các doanh nghiệp trong ngành như Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau xuất khẩu thuận lợi, thu được lợi nhuận lớn thì đến hiện tại, giá ure xuất khẩu chỉ còn khoảng trên dưới 400USD/tấn. Với mức giá này, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không có lợi nhuận.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất phân bón trong nước còn gặp phải khó khăn do tình trạng các thị trường nhập khẩu phân bón truyền thống của Việt Nam như Campuchia… đều đang nhập khẩu cầm chừng do tâm lý vẫn chờ giá phân bón xuống tiếp.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phùng Hà cũng nhận định, trong thời gian tới, có thể giá ure sẽ lại “nhích” lên vì giá phân bón nhất là giá ure phụ thuộc lớn vào giá dầu. Với diễn biến giá dầu trong những ngày gần đây, có thể thời gian tới giá ure sẽ tăng giúp xuất khẩu mặt hàng này gặp thuận lợi hơn.

Nguyễn Duyên

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí