Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
Đến năm 2030, Việt Nam giảm mục tiêu xuất khẩu gạo còn khoảng 4 triệu tấn |
Theo đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 – 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 – 2030 giảm khoảng 3,6%.
Trong giai đoạn 2023 – 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 20%.
Trong giai đoạn 2026 – 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 40%.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.
Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030.
Định hướng chung của Chiến lược là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng tăng và thương mại gạo thế giới đối mặt với nhiều diễn biến khó đoán định như thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại,….
Để phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, lấy nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất, xuất khẩu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp cụ thể: Hoàn thiện thể chế; Giải pháp về nguồn cung gạo; Giải pháp về phía cầu; Giải pháp về hỗ trợ xuất khẩu; Giải pháp về phát triển năng lực khối tư nhân.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, khối lượng xuất khẩu gạo năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, đạt giá trị 3,45 tỉ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với năm 2021. Bộ Công Thương nhận định xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2023 sẽ nhiều thuận lợi, dự báo đạt từ 6,5 – 7 triệu tấn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 4 đạt 1,1 triệu tấn, với giá trị 573,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong tháng 4/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua, được chào bán ở mức 495 – 500 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với tháng 3/2023.