Tại Kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban Về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) diễn ra sáng 27/6 tại Bộ Công Thương, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Hàn Quốc 6 nội dung.
Bưởi là một trong số 2 mặt hàng Việt Nam đề xuất Hàn Quốc mở cửa thị trường |
Cụ thể, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với trái bưởi của Việt Nam sang Hàn Quốc; chuyển giao hoàn toàn chương trình tiền kiểm tra đối với sản phẩm xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện, tương tự như cách làm với thanh long; phê duyệt hồ sơ công nhận thêm vùng trồng xoài của Việt Nam xuất khẩu đi Hàn Quốc; tiếp tục duy trì chương trình tập huấn nâng cao năng lực về kiểm dịch thực vật tại Hàn Quốc cho cán bộ kiểm dịch thực vật các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam; hỗ trợ tổ chức khóa tập huấn nâng cao năng lực giám định kiểm dịch thực vật cho Việt Nam. Giảng viên Hàn Quốc sẽ sang Việt Nam tập huấn trực tiếp về công tác này; xem xét mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt gà chế biến của Việt Nam.
Về phía Hàn Quốc cũng có 5 đề xuất với phía Việt Nam. Cụ thể, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm thịt heo đã qua xử lý nhiệt sang Việt Nam; đăng ký cơ sở xuất khẩu mới thịt gia cầm tươi và thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt; gia hạn giấy phép nhập khẩu thịt gia cầm tươi của Hàn Quốc và đẩy nhanh thủ tục kiểm dịch; xuất khẩu sản phẩm dưa lưới Hàn Quốc sang Việt Nam; chứng nhận kiểm dịch điện tử lẫn nhau cho các sản phẩm thủy sản.
Theo ông Ngô Xuân Nam, buổi làm việc là bước đi thực chất để triển khai một cách có hiệu quả việc Việt Nam và Hàn Quốc vừa nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 12/2022. “Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng nhất trí phối hợp triển khai tốt VKFTA và các biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên, nhằm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỉ USD vào năm 2030” – ông Nam nói.
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng có nhiều cơ hội phát triển khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như KVFTA, RCEP…
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản đạt khoảng 371 triệu USD. Hiện nhu cầu nhập khẩu nông, thuỷ sản, thực phẩm chế biến của Hàn Quốc từ thế giới hiện khá lớn, trong đó, các nhà nhập khẩu nước này muốn tìm kiếm thêm các nhà cung ứng chất lượng từ Việt Nam.
Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc là dệt may, thủy sản và đặc biệt là nông sản, thực phẩm trong những năm qua đã được người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng và đón nhận. Hàng năm, Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD thực phẩm, trong đó, các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ chiếm khoảng 5%. Do đó, dư địa thị trường tại Hàn Quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn.
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, xu hướng sử dụng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây. Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già.
Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.
Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.
Do đó, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.
Ngoài ra, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam có gửi thông tin sản phẩm, nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư với phía Hàn Quốc một cách thường xuyên, liên tục cho Thương vụ cũng như tham dự các hội chợ, hội thảo, hội nghị online/offline do Thương vụ tổ chức để Thương vụ có cơ sở trao đổi với phía Hàn Quốc và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả nhất.