Mục tiêu 6 tỷ USD xuất khẩu thủy công mỹ nghệ: Vướng ở đâu?

Mục tiêu 6 tỷ USD xuất khẩu thủy công mỹ nghệ: Vướng ở đâu?

Ngành thủ công mỹ nghệ đạt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2030 đạt 6 tỷ USD. Tuy nhiên, đang có những thách thức không hề nhỏ để có thể đạt mục tiêu này.

Nghẽn ở khâu nguyên liệu

Chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 30/6, tại Hà Nội, ông Lê Bá Ngọc – Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho biết, hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các nghệ nhân đan lát thường tập trung thành một nhóm phân chia công việc, người chuốt nan, người đan gùi
Các nghệ nhân đan lát thường tập trung thành một nhóm phân chia công việc, người chuốt nan, người đan gùi

Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 – 2022 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến gần 3 tỷ USD (2021) và giảm xuống đáng khoảng 2,4 tỷ USD (năm 2022) do tác động của dịch bệnh, các diễn biến địa chính trị đã làm giảm xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam… Xu hướng suy giảm xuất khẩu tiếp tục kéo dài đến 6 tháng đầu năm 2023.

Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững và đạt mức kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD đến năm 2030 (theo Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ), bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, hợp chuẩn sản xuất, xúc tiến thương mại… thì việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề đầu tiên mang tính quyết định.

Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu cho các nhóm ngành thủ công gần đây đang có rất nhiều bất cập, thách thức và tiềm ẩn nguy cơ lớn để đạt được mục tiêu do Chính phủ đề ra.

Về vấn đề này, theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù nguồn nguyên liệu của các làng nghề và ngành nghề nông thôn chính là yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của ngành, tuy nhiên, hiện đang có quá nhiều vướng mắc, bất cập trong việc tạo các vùng nguyên liệu tập trung và đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh và chất lượng của sản phẩm.

“Nhu cầu sử dụng song mây hàng năm của nước ta vào khoảng 80.000 tấn với sản lượng khoảng 3,5 tấn/ha thì cần diện tích 23.000 ha. Nguồn nguyên liệu song, mây chủ yếu là khai thác tự nhiên và trở nên rất khan hiếm do việc khai thác quá mức, thiếu sự quản lý”, ông Lê Đức Thịnh dẫn chứng.

Bên cạnh đó, việc chưa hình thành được các vùng trồng tập trung, quy mô lớn dẫn đến tình trạng nguồn cung nguyên liệu thiếu tính ổn định. Mặt khác, các quốc gia có nhiều nguyên liệu song, mây trên thế giới như: Indonesia, Lào… cũng cấm xuất khẩu nguyên liệu thô nên các doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Hiện nay, đối với nguyên liệu nghề đan lát diện tích để sản xuất còn thiếu rất nhiều và thường xuyên biến động theo giá nguyên liệu; công nghệ sơ chế, chế biến và bảo quản còn lạc hậu dẫn đến chất lượng nguyên liệu thành phẩm không cao…

Cục trưởng Lê Đức Thịnh nêu rõ, hiện các địa phương chưa có các quy hoạch hay chương trình phát triển lâu dài để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn phục vụ cho doanh nghiệp, làng nghề, ngành nghề nông thôn sản xuất, kinh doanh.

Đáng nói là, chưa có nhiều sự liên kết trong sản xuất ở các vùng nguyên liệu theo xu hướng hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết giữa người dân với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đa phần diện tích, số lượng sản phẩm các nguyên liệu chưa được cấp chứng chỉ bền vững hoặc mã số vùng trồng để đáp ựng được các tiêu chí phục vụ xuất khẩu.

Phải xây dựng được chuỗi liên kết

Nhấn mạnh vai trò của vùng nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần kết hợp vùng nguyên liệu nhỏ ở làng nghề, song song với quy hoạch vùng nguyên liệu lớn. Muốn phát triển vùng nguyên liệu chỉ còn cách duy nhất là liên kết các hợp tác xã, các doanh nghiệp, với quan điểm của Bộ, phải xây dựng được chuỗi liên kết.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị

Về phía các địa phương cần tiến hành rà soát quy hoạch đất đai của địa phương để xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến như: vùng miền núi trồng tre, nứa, song, mây…; vùng ven biển thì trồng cói, cỏ nặn tượng…; vùng trung du trồng cây gai xanh, dâu, chuối… Tổ chức lại sản xuất ở các vùng nguyên liệu theo xu hướng liên kết giữa các người dân để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và liện giữa người dân với doanh nghiệp.

Đồng thời, cần có chính sách để thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung được cấp chứng chỉ bền vững… “Chính các làng nghề và vùng nguyên liệu sẽ là nơi giữ chân người lao động ở nông thôn, không ồ ạt tràn ra thành thị và góp phần phát triển cuộc sống tốt hơn cho người dân, cũng như phát triển kinh tế – xã hội tại mỗi địa phương… Muốn phát triển các làng nghề và hướng tới xuất khẩu thì phải chủ động được vùng nguyên liệu”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường cũng như đáp ứng được mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD đến năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra, ông Lê Bá Ngọc cũng cho rằng, cần ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng, miền và có truy xuất nguồn gốc. Nâng cao chất lượng nguyên liệu. Đa dạng hóa các hình thức chủ sở hữu vùng nguyên liệu, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tại các làng nghề tham gia phát triển vùng nguyên liệu.

Đầu tư chiều sâu vào khoa học kỹ thuật, đầu tư sâu vào công nghệ chế biến để tiêu chuẩn hóa nguồn nguyên liệu chế biến và nâng cao năng suất chế biến nguyên liệu, tăng tỷ lệ thu hồi đồng thời định hướng phát triển các vùng nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ, các làng nghề với các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển thiết kế như một bước đột phá để nâng cao giá trị sử dụng nguyên liệu và nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề của Việt Nam. Đồng thời, cần đào tạo và phát triển nguồn nhân sự cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển bền vững của các làng nghề.

Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí