Xuất khẩu tìm dư địa ở các thị trường triển vọng

Xuất khẩu tìm dư địa ở các thị trường triển vọng

Để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cần khai thác các thị trường và mặt hàng có mức tăng trưởng tốt.

Doanh nghiệp “lách” qua cửa khó

Nửa đầu năm 2023, tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm có quy mô lớn của Việt Nam đều sụt giảm đã tác động lớn đến các doanh nghiệp ở trong nước.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong ngành gỗ, dệt may có thể “lách” qua khó khăn bằng việc đưa những mặt hàng thế mạnh hay sản phẩm ngách đi sâu vào thị trường ngách. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp thoát áp lực cạnh tranh, mang lợi nhuận cao, mà còn góp phần cải thiện hoạt động xuất khẩu vốn đối mặt nhiều thách thức như hiện tại.

Chẳng hạn như với xuất khẩu dệt may, trong bối cảnh đơn hàng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU đang sụt giảm đơn hàng xuất khẩu ở những thị trường lớn như Mỹ, EU. Trước tình hình như vậy, ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, để vượt qua khó khăn doanh nghiệp đã tìm thêm các thị trường ngách như Canada, Trung Đông.

Tương tự, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết, công ty đã chuyển hướng sang thị trường Trung Đông để gặp gỡ, đàm phán với các nhà bán buôn cho các thương hiệu lớn.

Ông Phạm Quang Anh cho biết, công ty đã đưa ra mức giá thấp hơn trước đây, các nhà nhập khẩu sẵn sàng đặt hàng với số lượng lớn và nhận hàng trong 1 hoặc 2 năm. Một số đã đồng ý tăng số lượng đặt hàng lên 300%.

Xuất khẩu tìm dư địa ở các thị trường triển vọng

Doanh nghiệp xuất khẩu cần khai thác các thị trường và mặt hàng có mức tăng trưởng tốt

Cũng theo ông Phạm Quang Anh, với việc doanh nghiệp của ông trước đây thường có các đơn hàng nhỏ lẻ, với thời gian ngắn khiến cho việc mua nguyên liệu thô với giá cao và công nhân buộc phải làm thêm giờ, khiến tăng chi phí lao động, hoặc nhà máy phải thuê nhân công tay nghề kém, dẫn đến hàng hóa bị lỗi. Nhưng giờ đây, với các đơn hàng kéo dài hàng năm như hiện nay, công ty có thể quản lý tốt hơn lịch trình sản xuất của mình.

Với ngành gỗ, bà Đỗ Thị Kim Loan – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam- cho biết, ngay khi thị trường Mỹ chững lại, lãnh đạo công ty Sao Nam đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Australia, Canada… để bù đắp phần nào lượng sụt giảm từ thị trường chính.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc tái cấu trúc lại nhà máy, đầu tư thêm từ 30 – 35% vốn để trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại hơn nhằm cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao độ chính xác cũng như tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, hiện nay, nhiều thị trường lớn chưa phục hồi, việc chuyển hướng sang khai thác các thị trường mới nổi, thị trường có tiềm năng như các nước Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á… là cần thiết.

Chẳng hạn như việc xuất khẩu gạo sang châu Phi là một hướng đi được đánh giá cao vì các nước khu vực này chưa tự chủ được nguồn gạo phục vụ người dân trong nước. Trong khi về chất lượng nhập khẩu, điều kiện nhập khẩu lại không quá cao, không yêu cầu nhiều về mẫu mã. Điều này được cho là phù hợp với những hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khai thác các thị trường và mặt hàng có mức tăng trưởng tốt

Nhìn vào bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 có thể thấy, trong khi nhiều nhóm hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho xuất khẩu của Việt Nam. Ngược dòng sụt giảm chung, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản đều có sự tăng trưởng, nhất là xuất khẩu rau quả và xuất khẩu gạo.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp nên khai thác các thị trường và mặt hàng có mức tăng trưởng tốt. Chẳng hạn như tại thị trường châu Á, nhiều quốc gia đang có nhu cầu lớn với hàng hóa, nông sản Việt Nam. Điển hình như thị trường Iran hiện có nhu cầu lớn về nhập khẩu nông sản. Trung bình, mỗi năm người dân Iran có nhu cầu dùng 120-130kg trái cây. Trong khi tổng dân số của nước này là 86 triệu người, nếu biết cách thâm nhập thì đây một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng trái cây Việt Nam.

Thực tế, theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ Trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), thị trường châu Á, châu Phi hiện đang chiếm tới 68% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khoảng 500 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa có nhiều kế hoạch dài hơi cho những thị trường rất tiềm năng này.

Mặc dù khó khăn nhưng vẫn có nhiều thị trường ngách mà doanh nghiệp chưa khai thác hết. Điển hình như thị trường Trung Quốc, chúng ta giáp Quảng Tây, Vân Nam nhưng thời gian qua Việt Nam mới chỉ tập trung vào Quảng Tây với kim ngạch khoảng 30 tỷ USD. Trong khi đó, Vân Nam (quy mô dân số tương đương Quảng Tây song kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD). Hay như thị trường châu Phi nhập khẩu khoảng hơn 600 tỉ USD/năm nhưng chúng ta mới chiếm có 0,8% thị phần… “Như vậy, từ thị trường xa đến những thị trường gần, ngay cả những thị trường mà chúng ta tưởng là rất gần gũi thì cũng còn nhiều dư địa và những thị trường ngách mà chúng ta chưa khai thác hết”, ông Đỗ Quốc Hưng nói.

Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định, thị trường Trung Quốc, đặc biệt là Úc, khu vực Trung Đông đang có triển vọng tốt, bù đắp cho sự sụt giảm ở khu vực Âu – Mỹ. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhạy bén để tìm các đối tác hợp tác.

Đối với ngành Công Thương, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh cho biết, ngành đã triển khai nhiều giải pháp khai phá điểm nghẽn đầu ra cho sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, tập trung cho việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đơn hàng mới, mở rộng thị trường. Bộ đã xác định những thị trường mới, còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ, ASEAN… để có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, bán hàng.

Hà Duyên

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí