Bùng nổ hiện tượng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS

Bùng nổ hiện tượng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS

Hiện tượng “bùng nổ” nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS không chỉ ảnh hưởng đến ngành mía đường trong nước mà còn không tốt cho sức khỏe người sử dụng.

Hiện tượng gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS

Đường lỏng sirô ngô HFCS (mã HS 17026020) là chất tạo ngọt chính trong nước giải khát. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, khối lượng đường lỏng sirô ngô HFCS nhập khẩu đang có xu hướng tăng dần qua các năm, và đa số được nhập khẩu bởi các công ty sản xuất nước giải khát.

Bùng nổ hiện tượng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng đường lỏng sirô ngô nhập khẩu đã nhiều hơn lượng nhập khẩu của cả năm 2021. Cụ thể, năm 2020, đường lỏng sirô ngô HFCS nhập khẩu là 164.179 tấn. Bước sang năm 2021, con số này giảm xuống còn 102.372 tấn. Tuy nhiên, năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 184.975 tấn đường lỏng sirô ngô HFCS và trong 6 tháng đầu năm 2023 con số này lên tới 123.609 tấn. Với mức độ nhập khẩu này, ước tính lượng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô cả năm là 247.200 tấn, tương đương 309.000 tấn đường.

nhập khẩu đường lỏng
Số liệu Tổng cục Hải quan (nguồn Hiệp hội Mía đường Việt Nam)

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hầu hết đường lỏng sirô ngô nhập khẩu vào Việt Nam là loại HFCS-55, đây là loại đường lỏng chứa 55% fructose và 45% glucose có độ ngọt cao hơn đường 25%.

Trong tháng 7/2023 iPOS.vn đã công bố kết quả khảo sát tình hình thị trường F&B 6 tháng đầu năm 2023, được thực hiện trên 137 đơn vị kinh doanh trong ngành F&B phân bố tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, ngành F&B (là ngành hàng tiêu thụ đường lớn) đang chứng kiến sự suy giảm đáng đáng kể, khi chỉ có 29,9% doanh nghiệp được khảo sát ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong 6 tháng vừa qua; 29,9% doanh nghiệp có doanh thu gần như giữ nguyên so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó có tới 40,1% phản hồi về lượng doanh thu giảm và hầu hết ở các mô hình kinh doanh lớn (chiếm tới 63,6%).

Cùng với xu hướng chuyển sang sử dụng đường lỏng sirô ngô HFCS thay vì đường, ngành F&B đã giảm đơn hàng đường xuống mức thấp kỷ lục. “Dòng thác đường lỏng sirô ngô đổ vào Việt Nam đã dẫn đến hệ quả là thu hẹp thị phần đường trong ngành nước giải khát vụ 2022/23 đến mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây”, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định.

Tác động không chỉ đến ngành mía đường

Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo, nhu cầu đường tương đương so với cùng kỳ, ở mức 2.300.000 tấn đường; đường sản xuất từ mía tăng 125% so với vụ trước; đường lỏng sirô ngô HFCS nhập khẩu tăng bùng nổ, 247.200 tấn tương đương 309.000 tấn đường; đường nhập lậu giảm, còn 90% so với cùng kỳ dưới tác động của sự tăng cường kiểm tra đường lậu của các cơ quan chức năng, cộng với ảnh hưởng tăng của giá đường quốc tế; đường nhập khẩu chính ngạch giảm, còn 40% so với cùng kỳ do ảnh hưởng tăng của giá đường quốc tế; đường xuất khẩu chính ngạch tăng 150% so với cùng kỳ. Do đó, ngành mía đường Việt Nam dự báo thừa cung 417.321 tấn đường cho năm 2023 (thời điểm dự báo 31/07/2023).

“Nguồn cung đường dồi dào bao gồm đường nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và nhập lậu qua biên giới Tây Nam cùng với đường lỏng sirô ngô, cộng với lượng đường sản xuất từ mía của vụ ép 2022/23, trong khi sức cầu đường chưa có dấu hiệu tăng nên thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung, thu hẹp đầu ra của đường sản xuất từ mía. Do giá đường quốc tế dự kiến ở mức cao, giá đường trong nước sẽ ổn định và vẫn sẽ ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía trong khu vực (Indonesia, Philippine và Trung Quốc)”, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định.

Riêng với mặt hàng đường lỏng sirô ngô HFCS, theo ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các quốc gia sản xuất mía đường trong khối ASEAN đã từ lâu nhận diện tác động tiêu cực của nhập khẩu mặt hàng đường lỏng sirô ngô không chỉ đối với ngành sản xuất trong nước mà cả đến sức khỏe cộng đồng và đều đã triển khai các biện pháp để hạn chế việc nhập khẩu mặt hàng này.

Việc bùng nổ nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến ngành mía đường trong nước mà còn gây nhiều hệ lụy không tốt đến sức khỏe của người sử dụng.

Theo giới chuyên môn, có sự khác biệt giữa đường làm từ mía và đường lỏng. Bắp qua quá trình enzym hóa bằng hóa chất cho ra một hợp chất sinh học và hóa học có tên HFCS. Đây là loại đường dạng lỏng. Đường HFCS là một loại chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ tinh bột bắp.

Thực tế, một số nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa đường HFCS (làm từ bột bắp) và đường thông thường (làm từ củ cải ngọt và mía) được chuyển hóa.

Theo đó, đường HFCS làm tăng cân và tăng mỡ bụng nhanh hơn đường thông thường. Đường mía thông thường (sucrose) được hình thành từ 2 phân tử đường quyện chặt vào nhau, 1 glucose và 1 fructose với tỉ lệ đồng nhất. Các enzyme tiêu hóa bẻ gãy liên kết đó, tức biến sucrose thành glucose và fructose, trước khi cơ thể hấp thụ.

Trong khi đó, HFCS cũng chứa glucose và fructose nhưng không cùng tỉ lệ mà các phân tử glucose và fructose nằm chung với nhau, nhưng không có liên kết hóa học giữa chúng. Fructose ngọt hơn glucose. Fructose sẽ vào thẳng trong gan và hình thành chất béo.

Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm ghi rõ thành phần là đường saccaroza, đường fructoza, glucoza… Và nếu có ghi thì cũng không thể phân tích được các nguồn gốc các đường đơn đó là từ rỉ mật mía (an toàn) hay từ đường lỏng hóa chất nêu trên.

Đáng nói là đường lỏng là nguyên nhân chính gây nên béo phì chứ không phải do đường mía.

Chính phủ Philippines đã cấm các hãng sản xuất nước ngọt sử dụng loại đường này do có nhiều tác hại. Một số quốc gia đánh thuế HFCS rất nặng, từ 25 – 55% để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, tránh sử dụng loại hàng độc hại này.

Các chuyên gia cho rằng, cần có các biện pháp tự vệ chính thức đối với đường lỏng sirô ngô HFCS là điều các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tính tới.

6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS lên tới 123.609 tấn. Với mức độ nhập khẩu này, ước tính lượng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô cả năm là 247.200 tấn, tương đương 309.000 tấn đường.
Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí