Chiều 10/10, tại TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố tổ chức tập huấn “Chuyển đổi số – Giải pháp để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” nhằm thông tin, cập nhật các kiến thức về chuyển đổi số và vận dụng hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đà Nẵng ứng dụng chuyển đổi số để tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu |
Ông Nguyễn Văn Trừ – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, kinh tế số đang dần trở thành hướng chủ đạo của phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày sâu rộng vào kinh tế thế giới. Chuyển đổi số, đối với doanh nghiệp là quá trình thay đổi về tư duy, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Những ứng dụng công nghệ số phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc thu thập, phân tích dữ liệu, tự động hóa các quy trình kinh doanh, quản lý,… có thể nhắc đến như: Các phần mềm, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT (Internet vạn vật), điện toán đám mây…
“Chương trình sẽ góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thông tin về chuyển đổi số, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để định hình cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường”, ông Trừ nói.
Tại chương trình, các doanh nghiệp đã được cập nhật các thông tin về kế hoạch chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng, kế hoạch chuyển đổi số của ngành Công Thương thành phố đến năm 2030. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã thông tin đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về xu thế chuyển đổi số và hợp chuẩn nhà máy để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; gợi ý một số giải pháp chuyển đổi số để thức đẩy xuất nhập khẩu; tiếp cận xu hướng chuyển đổi số với thương mại điện tử xuyên biên giới….
Theo TS. Nguyễn Kiều Trang – Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt Hàn – Đại học Đà Nẵng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp xuất nhập khẩu thể hiện ở yếu tố: Tìm kiếm thị trường; xuất xứ hàng hóa; chỉ dẫn địa lý; văn bản số (hợp đồng số, chữ ký số); chính sách thương mại số quốc tế. Trong đó, đối với tìm kiếm thị trường, chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu thể hiện rõ nét qua các hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy giao thương trực tuyến, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Đối với xuất xứ hàng hóa, chuyển đổi số các ứng dụng như: Quản lý truy xuất nguồn gốc; tem xác thực hàng hóa, phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản Việt Nam….
Tại chương trình, Sở Công Thương Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với các đối tác hỗ trợ cấp chữ ký số cá nhân miễn phí cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thành phố |
Theo kế hoạch chuyển đổi số ngành Công Thương TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 20% giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại điện tử; tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sử dụng dữ liệu số, công nghệ số trong sản xuất. Đến năm 2030, mục tiêu tỷ trọng kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 30% giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại điện tử; 100% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử; 70% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có sử dụng dữ liệu số, công nghệ số trong sản xuất.