Đây là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, chính quyền các Bang Oregon và Colorado, Hoa Kỳ tổ chức.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – cho biết, trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp cũng như đang đứng trước những thách thức chưa từng có, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng đang đặt ra những yêu cầu mới về phương thức hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư giữa các nước.
“Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được dự báo sẽ là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới nhưng toàn khu vực vẫn chưa có được các thỏa thuận thương mại mới mang tính bao trùm để ứng phó hiệu quả với các nguy cơ, thách thức đang nổi lên. Do vậy, việc tăng cường hợp tác sẽ đóng góp cho thịnh vượng và hòa bình không những đối với các nước trong khu vực mà còn đối với cả các nước ngoài khối”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2023 |
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao, yếu tố chu kỳ và lượng dự trữ hàng tồn kho lớn cũng khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây. Cùng với đó, việc Fed đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất đang giúp sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ tăng trở lại. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như: Dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị – kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, việc hai nước chính thức nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để khởi động những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Đại diện phái đoàn Hoa Kỳ, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, các công ty Hoa Kỳ thuộc nhiều lĩnh vực đang hướng tới thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực đầu tư bán dẫn và khai khoáng. Hiện, chính phủ Hoa Kỳ đã xây dựng kế hoạch hoành động chi tiết nhằm tăng khả năng phục hồi ngành, chất bán dẫn.
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2023 |
Theo đó, để phát triển hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, Chính phủ nước này đã thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn trên toàn cầu có giá trị 100 triệu USD. Cũng trong khuôn khổ này, Hoa Kỳ sẽ đánh giá về năng lực phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam làm cơ sở để xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, khai khoáng. Riêng đối với lĩnh vực khai khoáng, Việt Nam được đánh giá là đang có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 sau Trung Quốc và chưa được khai thác. Do vậy, Hoa Kỳ sẽ cùng Việt Nam thực hiện đa dạng hoá chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư Hoa Kỳ để khai thác đất hiếm này.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ace Wilson, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Intel Việt Nam cho biết, Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Tính từ năm 2010 đến nay, tập đoàn đã xuất khẩu 80 tỷ USD. Riêng trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Intel dự kiến đạt 10 – 11 tỷ USD. Đặc biệt, có đến 70% sản lượng chip Intel sản xuất phục vụ khu vực đến từ nhà máy Intel tại Việt Nam. Hiện tập đoàn đang có chiến lược đa dạng hoá nhà máy tại nhiều quốc gia. Gần đây nhất, tháng 6/2023 tập đoàn đã có quyết định đầu tư nhà máy sản xuất tại Đức với tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỷ USD. Đây như một phần nỗ lực mở rộng hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại châu Âu. Trong thời gian tới, Intel cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư hơn nữa tại Việt Nam.
Ông Daniel Nguyen, Phó Chủ tịch Ủy ban về Phát triển Kinh tế và Doanh nghiệp nhỏ, Thành viên Ủy ban bán dẫn Hạ viện bang Oregon chia sẻ, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển chất bán dẫn. Hiện Hoa Kỳ đã rà soát lại khung pháp lý của Việt Nam và đã dành khoản đầu tư 240 triệu USD để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái chất bán dẫn. Trong đó có 40 triệu USD được dành riêng để đầu tư vào dự án mới liên quan đến lĩnh vực này. Do vậy, Việt Nam cần tận dụng nguồn lực để phát triển công nghiệp bán dẫn của mình.
Theo ông Daniel Nguyen, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn, huy động nguồn lực tư nhân, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Trong khi đó, bà Barbara Weisel – Chuyên gia Luật Thương mại Quốc tế – Giám đốc điều hành tại Rock Creek Global Advisors – Nguyên Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho rằng trong thời gian tới, thông qua các sáng kiến như: Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA); Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) Việt Nam – Hoa Kỳ có thể tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong việc phục hồi chuỗi cung ứng và phát triển năng lượng sạch.
“Việt Nam và Hoa Kỳ nên tích cực hợp tác để đi đầu trong việc xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể và chi tiết nhằm tăng khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực mà cả hai đều coi là ưu tiên, bao gồm chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng”, bà Barbara Weisel chia sẻ.