Sầu riêng Monthong (loại 1) giá trên dưới 200.000 đồng kg
Ngày 13/2 (tức mùng 4 Tết) nhiều cơ sở sầu riêng thu mua trái xuất khẩu tại huyện Cai Lậy, Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đã mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ Tết.
Giá trái sầu riêng ở mức cao, trái sầu riêng Monthong (loại 1) giá trên dưới 200.000 đồng kg, sầu riêng Ri 6 giá gần 160.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong thời gian qua, với mức giá này nếu vườn sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao nhà vườn có lãi gần 2 tỷ đồng/ha.
Nguyên nhân sầu riêng ở mức cao được các nhà vườn lý giải là do vào thời điểm vụ nghịch, sản lượng ít, hầu hết các vườn ở giai đoạn ra trái non, khoảng 3 tháng sau mới bước vào thu hoạch rộ.
Trước đó, vào thời điểm tháng 10, tháng 11/2023, sầu riêng cũng được bán với giá khá cao 70.000 – 80.000 đồng/kg và tăng mạnh từ thời điểm trước Tết Nguyên đán đến nay.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng Việt đang “một mình một chợ” tại Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên đán nhu cầu biếu tặng của người dân nước này cao. Trong khi đó, nguồn cung hàng trái vụ có số lượng hạn chế nên giá được dự báo tiếp tục tăng.
Đã có 708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc
Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch 2,2 tỉ USD, tăng 5 lần so với năm 2022. Trong đó, Trung Quốc đã chi hơn 2 tỷ USD để mua gần 524.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, tăng hơn 11 lần so với năm trước đó. Việt Nam đang khiến thị phần sầu riêng của Thái Lan, Malaysia bị thu hẹp. Sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022, sầu riêng tại Việt Nam luôn có giá bán cao.
Theo ông Vũ Đức Côn – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, riêng với sầu riêng, năm 2023 nhờ giá tốt, tỉnh này thu khoảng 12.000 tỷ đồng sau thu hoạch 200.000 tấn.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.
Hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. Trong đó, tỉnh Tiền Giang, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” sầu riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép nhiều nhất với 155 mã số; tiếp theo là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước có số lượng mã số được cấp phép lần lượt đạt 96, 68 và 65.
Trong khi đó, địa phương có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép ít nhất là Trà Vinh và Phú Yên với 1 mã số mỗi địa phương, Sóc Trăng có 3 mã số, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kon Tum mỗi địa phương có 5 mã số.
Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trong đó, Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 67 mã số; Cần Thơ, Tây Ninh và Hậu Giang mỗi địa phương có 1 mã số.
Đã có 708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc |
Theo quy định của Trung Quốc, sầu riêng nhập khẩu vào quốc gia này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc.
Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ngoài việc giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.
Trong khi sầu riêng Việt Nam chỉ mất khoảng 2 ngày vận chuyển sang thị trường Trung Quốc thì Thái Lan mất 7 ngày. Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam có lợi thế cả về giá bán. Tuy nhiên, Thái Lan giữ ưu thế về sản lượng, nước này cũng đang chuyển sang vận chuyển bằng tàu cao tốc Lào – Trung Quốc để rút ngắn thời gian vận chuyển.
Philippines đang cung cấp sầu riêng ra thị trường từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Dù mới tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng số lượng từ nước này cũng lên gần 100.000 tấn. Với sầu riêng tươi từ Philippines, chất lượng khá vượt trội nên năm nay Việt Nam tiếp tục đối đầu với nhiều đối thủ mạnh.
Ở phân khúc cao cấp, Malaysia đã xuất khẩu múi sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ 2011. Ngoài các đối thủ này, về dài hạn, thị trường Trung Quốc sẽ còn có sầu riêng nội địa.
Hiện kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng. Nhu cầu xuất khẩu tăng cao khiến giá bán tăng cao, diện tích trồng sầu riêng cũng tăng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ là 47.208 ha, đến đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha chỉ sau một năm.
Dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới. Để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng đòi hỏi các nhà vườn, doanh nghiệp bên cạnh việc mở rộng diện tích, cần tập trung nâng cao chất lượng, cũng như các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.