Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/5, thị trường tiếp tục giảm rất mạnh, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 giảm 163 USD, giao dịch tại 3.378 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 165 USD giao dịch tại 3.305 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York quay đầu tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 tăng 1,45 Cent, giao dịch tại 196,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2024 tăng 1,25 Cent, giao dịch tại 195,40 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Cà phê Robusta tiếp tục giảm mạnh sau phiên nghỉ đầu tuần. Cà phê Arabica hồi phục một phần nguyên nhân do giới đầu cơ điều chỉnh, vì bán mạnh trước đó.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá cà phê Robusta gặp áp lực chủ yếu do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư quốc tế, trước một số tín hiệu tích cực hơn về triển vọng mùa vụ của nước ta. Mưa tại vùng Tây Nguyên đã giúp hạ nền nhiệt chung và giải tỏa áp lực thiếu nước tại các vườn cà phê đang trong giai đoạn phát triển cho vụ mùa 2024-2025.
Giá cà phê Robusta tiếp tục giảm 4,6% sau phiên nghỉ đầu tuần |
Điều kiện thời tiết thuận lợi hơn tại vùng sản xuất chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ thu hoạch cà phê, tạo động lực giúp nông dân đẩy mạnh bán hàng và duy trì lượng xuất khẩu kỷ lục thời gian qua.
Mặc dù vậy, một số lo ngại về nguồn cung vẫn tiềm ẩn khi mùa vụ tại một số quốc gia sản xuất khác không quá tích cực. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Ấn Độ, quốc gia sản xuất Robusta lớn thứ 5 thế giới, đạt khoảng 6 triệu bao loại 60kg, giảm nhẹ 1,5% so với vụ trước.
Giá cà phê trong nước ‘rơi’ khỏi mốc 100.000 đồng khi liên lục lao dốc mạnh, hôm nay 8/5 đã giảm thêm 4.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng của thị trường London trong khoảng 10 ngày qua, giá thu mua trong nước đã giảm mạnh đến 40.000 đồng/kg, khiến nhiều người lo lắng về xu hướng giảm sẽ kéo dài.
Giá cà phê xuất khẩu biến động chưa từng có, trong nước mất mốc 100.000 đồng. Ảnh minh họa |
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua 7/5, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ duy trì ổn định quanh mức 99.000 – 100.000 đồng/kg. Chỉ trong vòng 1 tuần, giá thu mua cà phê trong nước đã lao dốc đến 35.000 đồng/kg.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) Nguyễn Nam Hải cho biết, có 4 nguyên nhân cơ bản khiến giá cà phê giảm trong những ngày qua. Thứ nhất, hiện tượng El Nino gây khô hạn, làm tăng nguy cơ mất mùa cà phê thời gian qua tại các vùng trồng trên thế giới là Brazil và Việt Nam về cơ bản đã kết thúc.
Thứ hai, nguồn cung cà phê trên thế giới được cải thiện khi Brazil bắt đầu thu hoạch vào tháng 5, trong đó có giống cà phê Conilon – tương tự Robusta của Việt Nam.
Trước đây, mỗi năm Brazil thu hoạch khoảng 18 triệu bao (60 kg/bao) cà phê Conilon và chủ yếu tiêu thụ nội địa, chỉ dành khoảng 2-3 triệu bao cho xuất khẩu. Nhưng năm nay, Brazil dự kiến thu hoạch trên 25 triệu bao Conilon nên lượng hàng xuất khẩu có thể lên đến 9-10 triệu bao (tương đương 540.000 – 600.000 tấn).
Thứ ba, đầu cơ bán mạnh để thu tiền về sau quãng thời gian đẩy khống giá vừa qua. Cuối cùng là Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) vừa công bố báo cáo cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 3/2024 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 13 triệu bao (loại 60 kg/bao). Kết quả này đưa xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tính từ tháng 10 đến tháng 3) tăng 10,4% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 69,2 triệu bao. Điều này cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn tăng.
Về chủng loại, xuất khẩu cà phê nhân xanh trong tháng 3 đạt 11,9 triệu bao, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu niên vụ đến nay, xuất khẩu cà phê nhân xanh đã tăng 11,1% lên 62,6 triệu bao, chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu. Xuất khẩu cà phê rang tăng 11,5% trong tháng 3 và lũy kế nửa đầu niên vụ đạt 0,37 triệu bao so với 0,36 triệu bao của cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh Arabica Brazil tăng 19% trong tháng 3 và tăng 17,5% trong 6 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng gần 21,4 triệu bao. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ mức tăng 16,1% trong xuất khẩu của Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất của nhóm cà phê này, lên 3,1 triệu bao trong tháng 3.
Xuất khẩu cà phê Arabica Colombia cũng tăng 12,8% trong tháng 3 và tăng 11,5% trong 6 tháng đầu niên vụ lên hơn 6,2 triệu bao.
Cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu Arabica Colombia giảm 11,9% do thời tiết bất lợi. Nhưng đến nay các điều kiện sản xuất ở Colombia, nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất của loại cà phê này đã trở lại bình thường. Do đó, xuất khẩu cà phê của Colombia đã tăng lần lượt 12,4% trong tháng 3 và 13,1% sau 6 tháng đầu niên vụ.
Ngược lại, xuất khẩu cà phê Arabica khác giảm 1,6% trong tháng 3, nhưng vẫn tăng 4,2% trong 6 tháng đầu niên vụ 2023-2024 đạt gần 9,9 triệu bao. Trong tháng 3, đã có 15 trong số 29 quốc gia trong nhóm cà phê này chứng kiến xuất khẩu giảm.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Robusta đã tăng 7,8% trong tháng 3 và tăng 8,9% trong 6 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt 25,2 triệu bao. Đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng này vẫn là Brazil khi quốc gia Nam Mỹ này đã xuất khẩu hơn 0,8 triệu bao Robusta trong tháng 3, tăng 686,1% so với 0,1 triệu bao của cùng kỳ.
Như vậy, Brazil chiếm đến 91,5% trong tổng mức tăng chung vào khoảng 1 triệu bao trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu. Qua đó củng cố thị phần của nước này trong tổng xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu lên mức 72,5% vào tháng 3 so với 70,8% của cùng kỳ năm ngoái. Còn tính từ đầu niên vụ đến nay, Brazil chiếm 73,4% xuất khẩu cà phê thế giới.
Với các dạng cà phê khác, xuất khẩu cà phê hòa tan giảm 4,8% trong tháng 3, nhưng vẫn tăng nhẹ 4% trong 6 tháng đầu niên vụ 2023-2024 lên 6,2 triệu bao. Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê các loại từ đầu niên vụ đến nay là 8,9%, giảm từ mức 9,5% cùng kỳ năm trước.
Brazil tiếp tục là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất với 0,35 triệu bao được ghi nhận trong tháng 3.