Nhiều thách thức
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay, mới đây, một nhãn hàng của Mỹ phá sản, khiến 38 doanh nghiệp Việt Nam mất lượng tiền lớn và không lấy lại được. “Đạo luật phá sản của Mỹ rất rõ ràng, khi phá sản, đầu tiên phải đóng thuế đủ, hai là trả ngân hàng, ba là trả quyền lợi người lao động, bốn là mới trả cho khách hàng”, ông Giang nói.
Trên thực tế, sau dịch Covid-19 nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may vẫn ở mức thấp khiến nhiều nhà bán lẻ giảm bớt quy mô kinh doanh, thậm chí phá sản. Tác động của vấn đề này tới doanh nghiệp dệt may Việt Nam không chỉ là thiếu đơn hàng cho sản xuất mà còn là không thu hồi được tiền hàng đã giao cho đối tác. Đáng lo, đến thời điểm này chưa có công cụ pháp lý nào đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thu hồi vốn khi đối tác phá sản.
Cách nào bảo vệ doanh nghiệp dệt may khi đối tác phá sản? |
Về vấn đề này, ông Giang cho rằng, cần một đạo luật hoặc, cơ quan tư pháp của Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi xảy ra các sự cố tương tự. “Đạo luật của Mỹ cực kỳ chặt chẽ, bảo vệ lợi ích của phía họ. Vì vậy, doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng, doanh nghiệp ở các ngành xuất khẩu khác vào thị trường Mỹ luôn chịu rủi ro và thách thức”, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Giang, bên cạnh nguy cơ mất tiền khi đối tác phá sản, doanh nghiệp dệt may trong nước hiện phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Đầu tiên là tiêu chuẩn kép của các thị trường nhập khẩu. Những thị trường này luôn đưa ra các tiêu chuẩn mới và khó buộc nhà sản xuất phải tuân thủ.
Nhãn hàng đưa vào Việt Nam những tổ chức đánh giá và đặt ra những tiêu chuẩn không đồng nhất khiến doanh nghiệp phải “bơi” với các tiêu chuẩn phù hợp để có đơn hàng. Cùng đó là thách thức quan trọng liên quan đến Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ của Mỹ; thách thức liên quan đến công nghệ sản xuất, chỉ khi bắt nhịp được và sử dụng công nghệ sản xuất ra sản phẩm thân thiện môi trường, ngành dệt may Việt Nam mới có thể phát triển bền vững.
Lao động cũng là một trong những yếu tố quan trọng của doanh nghiệp dệt may. Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, lao động trong ngành giảm đáng kể từ 6 – 20%, tùy doanh nghiệp.
“Một dây chuyền sản xuất đã ổn định, tuyển công nhân mới phải đào tạo tối thiểu 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, pháp luật quy định người lao động vào làm việc 1 tuần phải ký hợp đồng lao động. Trong khi đó, lao động không có tay nghề vào một tuần làm được rất ít việc”, ông Giang cho hay.
Mặt khác, Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 đã phê duyệt từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện. Chiến lược này cực kỳ quan trọng nhưng vận hành ra sao để các địa phương phải phát triển khu công nghiệp theo quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt nhuộm, giảm thiểu tối đa nhập khẩu nguyên liệu mới quan trọng.
“Chính phủ và Bộ Công Thương đã nỗ lực ký các hiệp định thương mại tự do nhưng doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu thì không thể tận dụng được ưu đãi thuế quan. Hiện nay, riêng vải, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 16 tỷ USD/năm nhập khẩu mặt hàng này và hầu hết từ Trung Quốc”, ông Giang nhấn mạnh.
Chủ động, linh hoạt ứng phó với biến động thị trường
6 tháng đầu năm, ngành dệt may xuất khẩu khoảng 19,539 tỷ USD, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tiềm năng trưởng xuất khẩu của ngành nửa cuối năm là khả quan, nhất là khi các doanh nghiệp dệt may trong nước được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước xung quanh.
Để ngành dệt may tận dụng được cơ hội, phục hồi ổn định, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đối tượng khách hàng và sản phẩm. Cùng đó, chủ động theo dõi và linh hoạt ứng phó với biến động thị trường.
Ở khía cạnh hội nhập, ông Trịnh Minh Anh- Chánh văn phòng, Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế, Bộ Công Thương, nhận định, dệt may là ngành có mức độ hội nhập rất lớn, cũng là ngành được hưởng nhiều lợi ích trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Song bên cạnh những cơ hội, các FTA mang lại cho xuất khẩu nói chung, ngành dệt may nói riêng nhiều thách thức, như: Cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế, phải đáp ứng các cam kết tiêu chuẩn có chất lượng cao cũng như tốc độ và quy mô sản xuất, những rào cản kỹ thuật và quy định môi trường – sản xuất xanh…
Để tận dụng được những lợi thế mà các FTA mang lại, theo ông Minh Anh, các doanh nghiệp cần luôn cập nhật những thông tin mới, hướng dẫn, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để.
Bám sát thông tin, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng để chủ động đáp ứng những thay đổi thương mại của quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA.