Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu được 1.662 tấn hoa hồi, kim ngạch đạt 7,8 triệu USD, so với tháng 6 lượng xuất khẩu tăng 7,4%.
Thị trường xuất khẩu hoa hồi chủ yếu là Ấn Độ đạt 1.062 tấn, chiếm 63,9%, trong khi đó Prosi Thăng Long vẫn là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu đạt 309 tấn, chiếm 18,6% và tăng 45,1% so với tháng trước.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 8.685 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 5,1% tuy nhiên kim ngạch lại giảm 17,1%.
7 tháng đầu năm 2024, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam. Ảnh minh họa |
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Prosi Thăng Long: 1.586 tấn, tăng 15,6%; Tuấn Minh: 485 tấn, tăng 25%; Nedspice Việt Nam: 482 tấn giảm 42,9% Senspices Việt Nam: 345 tấn, tăng 39,7% và Hồng Sơn Việt Nam 308 tấn, tăng 0,3%.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam chiếm 63,0%, đạt 5.472 tấn và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ: 601 tấn, tăng 7,9%; Đài Loan (Trung Quốc) : 276 tấn, tăng 228,6%; Trung Quốc: 259 tấn, giảm 63,4%
Theo Hiệp hội Gia vị thế giới, Việt Nam có loại cây gia vị quý báu, với sản lượng hàng năm thuộc Top đầu thế giới, đó chính là cây hồi. Sở dĩ cây hồi được coi như “báu vật” vì đây là loài cây bản địa mà rất ít quốc gia trên thế giới có thể trồng được. Thực tế, hầu như cây hồi chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi năm, chỉ thu hoạch được 2 vụ hoa hồi.
Tại Việt Nam, cây hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.
Đáng chú ý trên thế giới, cây hồi hầu như chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc cũng như có thể sản xuất hồi với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi. Cây hồi bắt đầu cho thu hoạch kể từ năm thứ 4, tuy nhiên khoảng 16 năm mới có thể thu hoạch 2 vụ/năm, do đó loại cây này đã hiếm lại càng quý hơn.
Trong đó, Lạng Sơn được mệnh danh “thủ phủ” của cây hồi của nước ta. Hồi ở Lạng Sơn được trồng chủ yếu tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng, Văn Lãng và Cao Lộc. Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại Lạng Sơn.
Theo Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, hồi là một cây gỗ nhỡ, cao từ 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng. Mỗi năm cây chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý.
Hoa hồi ra hoa hai lần trong 1 năm nhưng không có ranh giới rõ ràng. Vụ thứ nhất thường diễn ra vào tháng 6, gọi là hoa vụ tứ quý. Vụ thứ hai vào khoảng tháng 8-9, được gọi là vụ hồi mùa.
Thông thường, cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4-5 năm trồng và cho thu hoạch tới vài chục năm. Năng suất của cây hồi từ năm thứ 4-6 vào khoảng 0,5-1 kg/cây. Từ năm thứ 20 trở đi, cây hồi sẽ cho năng suất ổn định, lên tới 40-50 kg/cây.
Thông thường, hoa hồi sẽ có 6-8 cánh, xếp thành hình cánh sao có đường kính từ 2,5-3cm, mỗi cánh mang bên trong một hạt nhỏ hình quả trứng nhẵn bóng. Phần lớn hoa hồi sau khi thu hoạch sẽ được mang đi phơi khô, sử dụng dưới dạng hoa khô, chỉ có một phần nhỏ được đem chế biến thành tinh dầu.
Hoa hồi được dùng phổ biến trong chế biến ẩm thực và được dùng làm thuốc chữa bệnh. Hoa hồi là một trong những loại gia vị cực phẩm mà các đầu bếp nổi tiếng luôn ưa chuộng sử dụng trong các món ăn. Sử dụng hoa hồi trong các món ăn một cách khéo léo sẽ giúp nâng tầm món ăn lên một hương vị hoàn toàn mới.