Phát biểu tại cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia chiều 6/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, ngành lúa gạo không chỉ đóng vai trò vai trò nòng cốt đối với an ninh lương thực quốc gia mà còn là ngành có tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, cũng là ngành góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam. Từ việc là một quốc gia nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã đi đến tự chủ nguồn cung, cân đối lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời còn trở thành 1 trong số ít quốc gia được xem là cường quốc xuất khẩu gạo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp |
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến; thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp; đời sống của một số bộ phận còn khó khăn. Xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hoá thị trường, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, còn khó khăn trong quá trình giao dịch.
“Đặc biệt, mặc dù đã có thương hiệu nhưng doanh nghiệp chưa sử dụng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ.
Hiện nay, tại một số thị trường khó tính, gạo Việt Nam đã có “chỗ đứng” nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, chức năng; nhưng các doanh nghiệp và sản xuất gạo không duy trì được các thành tựu, tự đánh mất thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo, bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ, đó là Hội đồng lúa gạo quốc gia |
Thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu, nguyên nhân chủ yếu nhất là ngành lúa gạo vẫn thiếu một chiến lược, hay nói cách khác là thiếu một chính sách phát triển ổn định, vững chắc, vẫn mang tính tự phát. Đầu tư của nhà nước (và ngoài nhà nước) cho sản xuất lúa gạo nhất là gạo xuất khẩu chưa xứng tầm (về giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến). Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, hoặc không nắm giữ phát triển thị trường, củng cố thương hiệu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và công tác kiểm tra giám sát, xử lý chưa tốt…
Trước bối cảnh mới, để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài tài nguyên (đất lúa, nguồn nước, đa dạng sinh học,…) rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo, bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ, đó là Hội đồng lúa gạo quốc gia.
“Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, các khuyến nghị tại hội thảo, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Hai Bộ mong tiếp tục nhận góp ý của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời giao cơ quan chức năng của hai bộ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ để Hội đồng lúa gạo quốc gia hoạt động hiệu quả” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, đặc biệt năm 2023 đã đạt kết quả tích cực khi xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn gạo, tăng 36,6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 16 năm qua. Sản xuất lúa gạo tương đối thuận lợi và ổn định trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024 (sản lượng cả năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn thóc, tăng 1,9% so với năm 2022, sản lượng lúa thu hoạch tính đến ngày 15/7/2024 khoảng 25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ 2023).
Năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc (giảm khoảng 35 nghìn tấn), trong đó tổng khối lượng cho xuất khẩu ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Xuất khẩu gạo tiếp tục có sự tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm 2024 khi khối lượng tăng 5,8% (đạt 5,18 triệu tấn) và giá trị tăng đến 25,1% (đạt 3,27 tỷ USD), giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 USD/tấn.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã dự thảo Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và hồ sơ liên quan về thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia; ngày 1/8/2024, Bộ Công Thương đã có công văn số 5017/BCT-XNK gửi đến các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để xin ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách. Một số nội dung cụ thể như sau: Thành viên Hội đồng bao gồm 1 Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Chính phủ; 2 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Uỷ viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương Về chức năng, Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo. Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo anh sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia, phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền Nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình phát triển ngành lúa gạo. Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo. Cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách… liên quan đến ngành hàng lúa gạo thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo. |