Bổ sung một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo

Bổ sung một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo

Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong 7 trường hợp sau:

Bổ sung quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo
Bổ sung quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa

1- Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đề nghị thu hồi.

2- Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

3- Thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

4- Thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục, trừ trường hợp thương nhân đã thông báo tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật.

5- Thương nhân không duy trì đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định này trong quá trình kinh doanh.

6- Thương nhân kê khai không đúng thực tế kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo hoặc có gian lận khác để được cấp Giấy chứng nhận.

7- Thương nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Tại Nghị định số 01/2025/NĐ-CP vừa ban hành, Chính phủ bổ sung điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Như vậy, ngoài 7 trường hợp trên, theo quy định mới, Bộ Công Thương sẽ xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đối với trường hợp thứ 8 là: Trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương không nhận được báo cáo của thương nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP thì sẽ bị Bộ Công Thương xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu.

Nghị định số 01/2025/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương ban hành và gửi đến thương nhân bị thu hồi, Tổng cục Hải quan, Sở Công Thương địa phương liên quan đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam để biết và thực hiện.

Bổ sung quy định về trách nhiệm của thương nhân xuất khẩu

Về quyền kinh doanh xuất khẩu gạo, bên cạnh quy định hiện hành, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định: Định kỳ vào Thứ 5 hàng tuần thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.

Nay Nghị định số 01/2025/NĐ-CP quy định: Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.

Đồng thời, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP bỏ khoản 6 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP: “Thương nhân báo cáo không đúng sự thật hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều này không được hưởng các chính sách ưu tiên quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này cho đến khi thương nhân chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm”.

Nghị định số 01/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 đã lập kỷ lục cả về sản lượng và giá trị, với 9 triệu tấn, trị giá 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 23% về trị giá so với năm 2023.

Xuất khẩu gạo lập kỷ lục là nhờ nông dân đã đầu tư vào sản xuất các giống lúa chất lượng, có giá trị kinh tế cao, được thị trường thế giới ưa chuộng như: Đài Thơm 8, OM18, các giống gạo ST… Nhờ đó, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất là Philippines, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Ghana. Trong đó, Philippines giữ vị trí số 1. Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ (17 triệu tấn) và Thái Lan (10 triệu tấn).

Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí