Chuyên gia nhận định gì về xuất khẩu hàng hoá năm 2025?

Chuyên gia nhận định gì về xuất khẩu hàng hoá năm 2025?

Nhận định của một số chuyên gia cho rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2025 có thể tăng trưởng khoảng 10-12% so với năm 2024.

Tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn năm 2024, Mỹ là thị trường trọng điểm

Báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 của Trung tâm Phân tích – Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt ban hành mới đây nhận định, xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng khoảng 10-12% trong năm 2025, thấp hơn mức tăng trưởng 14% của năm 2024

Theo nhóm chuyên gia, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 đồng pha với chu kỳ hồi phục của tăng trưởng thương mại toàn cầu nhưng tăng trưởng thấp hơn năm 2024 do mức nền cao của cùng kỳ.

Chuyên gia nhận định gì về xuất khẩu hàng hoá năm 2025?
Chuyên gia dự báo xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 10-12% (Ảnh: Moit)

Cụ thể, năm 2023, xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 681 tỷ USD, giảm 6,9%, tương ứng giảm 50,25 tỷ USD so với năm trước (con số của Tổng cục Hải quan công bố). Do đó, xuất nhập khẩu năm 2024 được lợi do tăng trưởng trên nền thấp này. Đến năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ khó khăn hơn do phải tăng trưởng trên nền cao của năm 2024 (ước khoảng 786 tỷ USD, theo con số ước tính của Tổng cục Hải quan).

Báo cáo trên cũng dự đoán, các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ có thị trường chủ lực là Mỹ. Các ngành xuất khẩu quan trọng của khối doanh nghiệp trong nước có thể phục hồi rất tích cực là máy móc, thiết bị, túi xách, gỗ; phục hồi vừa phải là dệt may và thuỷ sản.

“Tương tự như giai đoạn Trump 1.0, Việt Nam có thể được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và hàng hoá khi Trung Quốc bị áp thuế quan, nhất là trong kịch bản Trump áp thuế 60% lên hàng hoá từ Trung Quốc. Điểm khác biệt ở Trump 2.0 là mức thuế cao hơn/quy mô lớn hơn với hàng hoá Trung Quốc và cách tiếp cận về thuế quan của Trump đối với các quốc gia khác” – các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt nhận định

Cụ thể, thị trường Mỹ tiếp tục là thị trường đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 của Việt Nam nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn các thị trường khác, chi tiêu dùng tăng trưởng ổn định và làn sóng tích luỹ hàng hoá nhằm ứng phó với các chính sách thuế quan từ chính quyền Trump 2.0.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi các chính sách phòng vệ thương mại của nước bạn. Trong kịch bản cơ sở, nhóm chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt giả định chính quyền Trump 2.0 sẽ áp dụng thuế quan/biện pháp phòng vệ thương mại có mục tiêu và liên kết các thuế quan này với các quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn với mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng đến hàng hoá Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam để né mức thuế cao hơn từ Mỹ. Xác suất Việt Nam bị áp thuế từ 10-20% (dù thấp) vẫn có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026, theo đó ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cũng cho rằng, năm 2025, tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá có nhiều khả năng sẽ đạt con số cao hơn năm 2024 nhờ nhu cầu thị trường thế giới tăng trưởng trở lại.

Mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng vẫn có khả năng đạt được

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu thông tin, năm 2025, Bộ Công Thương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng trưởng 12% so với năm 2024. Đây là con số cao, tương đương mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu phải tăng trưởng thêm khoảng 4 tỷ USD so với năm 2023.

Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, năm 2025, xuất khẩu hàng hoá sẽ còn đối diện với những biến động thất thường của tình hình thế giới, song Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đó, mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/3/2025. sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó có nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu gạo.

Đơn cử, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo để nâng cao giá trị, chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam, đảm bảo tính chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trong quản lý, điều hành mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.

Nghị định số 01/2025/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính phải ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hàng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.

Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về thương mại biên giới; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Về phía các doanh nghiệp, cũng đang nỗ lực để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong năm 2025 – năm được dự báo nhu cầu thị trường sẽ phục hồi. Đơn cử, năm 2025 ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, để đạt mục tiêu này, thời gian tới, ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu..

Sau đó, từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… Các doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như: Alibaba, Amazon… nhằm mở thêm kênh tiêu thụ. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.

Lan Phương

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí