Thực thi các Hiệp định thương mại tự do đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm mây, tre, cói, thảm. Dự báo, xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng khoảng 20 – 30% so với năm 2021, vượt mức kim ngạch 1 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, tiếp đà tăng trưởng trong năm 2021, ngay tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm đã tăng trưởng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 107,65 triệu USD, tăng 9,4% so với tháng 12/2021; tăng 57,7% so với tháng 01/2021.
Xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 01/2022 đạt 27,13 triệu USD, tăng 3,8% so với tháng 12/2021; tăng 59,2% so với tháng 01/2021. Đối với thị trường Mỹ, con số này đạt 46,59 triệu USD, tăng 13,1% so với tháng 12/2021; tăng 67,4% so với tháng 01/2021.
Xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục:
Ước tính trong tháng 02/2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm đạt 70 triệu USD, giảm 35% so với tháng 01/2022, nhưng tăng 37,8% so với tháng 2/2021. Tính chung, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói và thảm ước đạt 178 triệu USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam hiện đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu mây tre đan nhiều nhất thế giới, với tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng 9,1%/năm, kim ngạch năm 2020 đạt 311 triệu USD; và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu thị trường xuất khẩu mặt hàng của thế giới (năm 2016 chiếm 8,7% đến năm 2020 chiếm 10,9%).
Việt Nam hiện đứng thứ 10 thế giới về xuất khẩu thảm, với kim ngạch tăng trưởng trung bình 29,5%/năm trong giai đoạn 2010 – 2020, mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu thảm của Việt Nam trong năm 2020 đã tăng 13,2 lần so với năm 2010, đạt 284,06 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu thảm của Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2010 – 2020, từ mức 0,2% trong năm 2010 lên 1,9% trong năm 2020.
Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội kéo dài, nhưng xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh.
Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EVFTA, CPTPP, RCEP… đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm mây, tre, cói, thảm, nhất là tại thị trường có sức tiêu thụ lớn trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Sản phẩm mây, tre, cói, thảm của Việt Nam có khả năng chiếm lĩnh được 10 – 15% thị phần trên thị trường thế giới. Dự báo, xuất khẩu mây, tre, cói, thảm của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng khoảng 20 – 30% so với năm 2021, vượt mức kim ngạch 1 tỷ USD.
Cần tiếp sức từ cơ chế hỗ trợ:
Với thị trường xuất khẩu sản phẩm mây tre đan của doanh nghiệp chủ yếu là EU và Hoa Kỳ, ông Đoàn Văn Lan – Giám đốc Công ty TNHH Đổi Mới (Ninh Bình) – cho biết, văn hóa tiêu dùng của người dân châu Âu, châu Mỹ thích sử dụng các vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường, giảm sử dụng đồ nhựa và các vật liệu độc hại khó phân hủy. Trong khi đó, cơ bản nghề mây tre đan gần như đã bị xóa sổ ở các quốc gia phát triển như Đức, Ý, Pháp… do không thể ứng dụng dây chuyền công nghiệp để cơ giới hóa. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống tại Việt Nam.
Mặc dù nhu cầu thị trường với các sản phẩm đan, tết, bện là rất lớn nhưng doanh nghiệp rất khó để nâng giá bán sản phẩm. Bởi Trung Quốc có chính sách trợ giá đối với các mặt hàng mây, tre đan xuất khẩu để thống lĩnh thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, nhất là người dân các làng nghề truyền thống.
Trong khi đó, do lợi nhuận trên doanh thu của nghề mây tre đan và tết bện rất thấp, không thể sánh với các dây chuyền sản xuất công nghiệp như các ngành khác. Do đó, ông Đoàn Văn Lan kiến nghị, rất cần Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh; giảm thuế thu nhập để kích thích nhiều nhà đầu tư.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những tồn tại khi hoạt động xúc tiến thương mại đối với ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và nhóm ngành hàng mây, tre, cói, thảm nói riêng nguyên nhân do còn rất ít có sự đồng hành của nhà nước mà chủ yếu do sự nỗ lực của các doanh nghiệp.
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft):
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), các doanh nghiệp, làng nghề ngành hàng mây, tre, cói, thảm cần được hỗ trợ cải thiện điều kiện sản xuất để đáp ứng được các nhu cầu hợp chuẩn của thế giới, đáng lưu ý phải xây dựng hệ thống truy xuất cho các doanh nghiệp mây tre đan ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, nhà nước cũng cần bố trí ngân sách xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp ngành này. Bên cạnh việc nâng cấp và hỗ trợ các hội chợ chuyên ngành thủ công mỹ nghệ theo định hướng xuất khẩu hoặc xuất khẩu tại chỗ, cần xây dựng các chương trình truyền thông quảng bá một cách chuyên nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp, trong chiến lược tiếp thị cần tập trung đẩy mạnh việc thiết kế, phát triển các sản phẩm mới như là một yếu tố quyết định để tạo giá trị gia tăng và tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Đồng thời, cần liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu đầu vào ổn định cho sản xuất.