Chia sẻ tại “Diễn đàn trực tuyến về xây dựng cơ sở, vùng sản xuất nông nghiệp xuất khẩu; nhìn lại 1 năm đáp ứng Lệnh 248, 249” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 7/12, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) – cho hay, tính đến ngày 5/12, đã có 2.426 mã số sản phẩm xuất khẩu của khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam được Hải quan Trung Quốc cấp phép theo Lệnh 248, Lệnh 249.
Trong đó, 18 loại sản phẩm thuộc Nhóm 1 (gồm thịt và các sản phẩm từ thịt; sản phẩm thủy sản; sản phẩm từ sữa; yến sào và sản phẩm từ tổ yến; ruột động vật (dùng làm vỏ xúc xích); sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm trứng; dầu thực phẩm và nguyên liệu; bánh có nhân các loại; ngũ cốc dùng làm thực phẩm; sản phẩm bột ngũ cốc và mạch nha; các loại rau tươi, rau tách nước (rau khô, rau sấy) và đậu khô; gia vị nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; hạt cà phê và ca cao chưa rang; thực phẩm ăn kiêng đặc biệt; thực phẩm chức năng) phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu (Việt Nam) là 1.236 mã, chiếm 50,9%. Thực phẩm ngoài 18 mặt hàng Nhóm 1, được đăng ký trực tiếp trên hệ thống http://singlewindow.cn là 1.190 mã, chiếm 49,1%. “So với các nước trong khu vực thì đây là con số tương đối lớn”, ông Ngô Xuân Nam nhận định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Ngô Xuân Nam, sau 1 năm triển khai Lệnh 248 và Lệnh 248, vẫn còn nhiều thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, phần mềm https://cifer.singlewindow.cn vừa thực hiện vừa hoàn thiện liên tục nâng cấp; thay đổi cơ quan thẩm quyền phê duyệt sản phẩm phía Hải quan Trung Quốc. Việc đăng ký online trên hệ thống đăng ký của Hải quan Trung Quốc đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ và ngoại ngữ tiếng Trung và tiếng Anh. Một số doanh nghiệp vẫn chưa nắm được quy trình, quy định đăng ký doanh nghiệp theo hình thức online. Thao tác khai báo thông tin trên hệ thống sai lệch tài khoản tự mở không thông qua cơ quan có thẩm quyền duyệt định danh nên bị ảnh hưởng khi làm thủ tục thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi định danh mã HS code thiếu thông tin nên sai lệch so với thực tế, gây trở ngại cho quá trình thông quan của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa tìm hiểu và nắm bắt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm của Trung Quốc nên chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm của Trung Quốc (Lệnh 249) (phải quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tuân theo nguyên tắc HACCP).
Lệnh 248 Quy định Quản lý & đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc gồm 28 Điều, 4 Chương, ban hành ngày 12/4/2021 và có hiệu lực từ 01/01/2022. Lệnh 249 Quy định Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc gồm 79 Điều, 6 Chương, ban hành ngày 14/4/2021 và có hiệu lực 01/01/2022 |
Để đáp ứng được các điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP (mục 3, Điều 5, Lệnh 248).
Đối với các doanh nghiệp đăng ký nhanh năm 2021, cần nhanh chóng thực hiện việc bổ sung các thông tin đăng ký trên hệ thống CIFER trước ngày 30/6/2023 (điểm 5, mục 1, Công hàm 353). Doanh nghiệp cần chủ động liên hệ cơ quan thẩm quyền đã nộp hồ sơ đăng ký hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thiện bổ sung hồ sơ, mã sản phẩm sẽ bị đưa ra khỏi danh sách của Hải quan Trung Quốc.
“Doanh nghiệp cũng cần chú ý các lỗi thường gặp khi khai báo online như: Thông tin về tài khoản; địa chỉ văn phòng/địa chỉ nơi sản xuất; cơ quan có thẩm quyền tại địa phương; tên Latin/khoa học của sản phẩm; thông tin về người liên lạc; ghi chú… Doanh nghiệp cũng cần nắm chắc các quy định Lệnh 248, Lệnh 249 và thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan chuyên môn để có điều chỉnh cho phù hợp”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cần xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, phải tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia của Trung Quốc về an toàn thực phẩm. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm nhà xưởng, thiết lập hệ thống ghi chép hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc để đáp ứng kiểm tra trước và sau khi đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo dõi các cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm của Hải quản Trung Quốc để có biện pháp phòng hoặc khắc phục kịp thời (nếu thuộc diện cảnh báo) theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
“Doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký nhanh và được cấp mã cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trước thời điểm ngày 30/6/2023. Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức trong việc tuân thủ đáp ứng các yêu cầu tại 2 lệnh này”, ông Ngô Xuân Nam một lần nữa lưu ý.
Về phía chính quyền địa phương, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, cần tăng cường quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất chế biến; tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình đăng ký mã số doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đảm bảo đáp ứng các quy định về quản lý an toàn thực phẩm của thị trường này. Đồng thời, tăng cường trao đổi các vấn đề kỹ thuật tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện việc đăng ký hồ sơ, đăng ký mã số doanh nghiệp đáp ứng quy định của Lệnh 248, và Lệnh 249. Tiếp tục truyền thông và phổ biến các kiến thức, quy định và hướng dẫn triển khai việc đăng ký.
Thông tin về quy định của thị trường Trung Quốc, TS. Phan Thị Thu Hiền – đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính và có sự thay đổi mạnh mẽ. Cụ thể, phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Đồng thời, Trung Quốc cũng yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; Ký kết lại Nghị định thư xuất khẩu đối với 8 loại quả truyền thống, hình thức quản lý tương tự như đối với măng cụt và sầu riêng; Yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói”, TS. Phan Thị Thu Hiền thông tin.
TS. Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – thông tin Các doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Trung Quốc gồm: Tiêu chuẩn An toàn thực phẩm quốc gia sản xuất thực phẩm Quy tắc vệ sinh chung (GB14881-2013); Tiêu chuẩn Quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Tiêu chuẩn Vệ sinh nước uống (GB5749-2006); Giới hạn Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm (GB29921-2013); Tiêu chuẩn An toàn thực phẩm quốc gia về sử dụng phụ gia thực phẩm (GB2760-2014); Giới hạn Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của độc tố nấm mốc trong thực phẩm (GB 2761-2017); Tiêu chuẩn An toàn thực phẩm quốc gia giới hạn của chất gây ô nhiễm trong thực phẩm (GB2762-2017); Tiêu chuẩn An toàn thực phẩm quốc gia về Giới hạn dư lượng tối đa của thuốc trừ sâu trong thực phẩm (GB 2763-2021); Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) Yêu cầu chung đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm (GB/T 27341-2009); Tiêu chuẩn quy định cho từng nhóm thực phẩm/nông sản đăng ký xuất khẩu. |