Tính đến hết 15/2/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 72,3 tỷ USD, giảm giảm 13,7%, tương ứng 11,46 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022
Tính từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 72 tỷ USD, giảm 11,46 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại thặng dư với con số xuất siêu gần 1,7 tỷ USD.
Cả nước xuất siêu 1,68 tỷ USD |
Về xuất khẩu, kỳ 1 tháng 2/2023, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,44 tỷ USD, tăng 49% (tương ứng tăng 4,42 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 01/2023.
Như vậy, tính đến hết 15/2/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 37 tỷ USD, giảm 9,2% tương ứng giảm 3,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2023 đạt 12,38 tỷ USD, tăng 36,6% (tương ứng tăng 3,32 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 01/2023.
Tính đến hết 15/2/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 35,32 tỷ USD, giảm 17,9% (tương ứng giảm 7,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,68 tỷ USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới. Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hoá Việt Nam phải gặp cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA; thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ thuận lợi hơn cho xuất khẩu các sản phẩm nông, thuỷ sản cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Giai đoạn tới, mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới là phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa theo chiều sâu. Chính vì vậy, tại Dự thảo đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 do Bộ Công Thương soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ, đối với tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xác định tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ..) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.