Thị trường xuất khẩu dần phục hồi nhờ hàng tồn kho giảm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng lên được kỳ vọng sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bứt phá. Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty T&T Vina cho biết, doanh nghiệp vừa ký kết thành công nhiều đơn hàng lớn và dài hạn.
Theo đó, mỗi tuần doanh nghiệp sẽ xuất khẩu 2 container dừa tươi vào thị trường Dubai, 1 container chanh không hạt và thanh long mỗi tuần vào thị trường Oman.
“Đây là những đơn hàng có tính ổn định cao. Hàng hóa khi chúng tôi thu hoạch chúng tôi có thể tản ra đầy đủ hết thị trường, thay vì lựa hàng xuất khẩu xong, phần còn lại sẽ phải đi bán lẻ như trước đây”, ông Tùng nhấn mạnh và cho biết thêm, khi thị trường chung càng khó khăn thì nhu cầu ngành hàng rau củ quả lại càng tăng. Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm rất tốt, đặc biệt với sầu riêng xuất sang Trung Quốc, hay bưởi qua New Zealand, Australia, Mỹ…
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng trở lại |
Dần thoát khỏi khó khăn từ tình trạng thiếu đơn hàng suốt từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu dệt may đã tăng trưởng trở lại. Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, cho biết từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu tại doanh nghiệp này đã phục hồi và tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Việt, không chỉ Việt Thắng Jean, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng ghi nhận đơn hàng xuất khẩu tăng. Lý do là các thị trường đã phục hồi, tồn kho của các nhà mua hàng đã dưới mức tối thiểu nên bắt đầu nhập hàng trở lại. Nhờ vậy, sức mua ở 4 thị trường truyền thống của ngành dệt may Việt Nam đều tăng.
Với ngành gỗ, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2 nhìn nhận, các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dần tăng trở lại. Điều này thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, khoảng 65 – 70% so với thời điểm năm 2022. Với đà tăng trưởng hiện tại, dự báo ngành gỗ sẽ có nhiều triển vọng khả quan trong năm 2024.
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lưu ý, các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ bảo đảm hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính… Cùng với đó, nguy cơ gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ.
Và để ngành gỗ phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, các doanh nghiệp phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. “Các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất cao hơn”, ông Hiệp cho biết.