Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Anh nằm trong Top 10 thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam, chiếm 3% giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản sang Anh tăng 3,5% đạt 213 triệu USD.
Dự báo xuất khẩu cá tra sang Anh năm 2022 tăng 30% |
Riêng trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái đạt trên 7 triệu USD. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Anh đạt gần 47 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh chiếm 79%, cá tra chế biến chiếm 17%, còn lại là cá tra nguyên con chiếm 4%.
Lạm phát tại Anh ở mức cao kỷ lục 40 năm và gần như cao nhất ở các nước châu Âu, nên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm có giá cao bị hạn chế. Do vậy, xuất khẩu tôm, cá ngừ và một số loài cá biển sang Anh giảm mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được tăng trưởng vì cá tra có giá vừa phải, hơn nữa Anh bị thiếu cá thịt trắng do lệnh cấm thuỷ sản từ Nga, nên cá tra trở thành loài cá thay thế trên thị trường Anh, đặc biệt là các sản phẩm fish & chip phổ biến của nước này.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu thủy sản sang Anh những tháng cuối năm đang có những tín hiệu tích cực hơn so với đầu năm, nhất là với những mặt hàng như cá tra đang hồi phục mạnh. Với đà tăng trưởng thuận lợi như hiện nay, dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh sẽ đạt khoảng 67 triệu USD trong năm 2022, tăng 30% so với năm 2021.
Về lợi thế thuế quan, với Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh tiếp tục được hưởng các ưu đãi dựa trên cơ chế tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Nghĩa là cá tra có lộ trình giảm thuế về 0% sau 3 năm. Khi đó, sản phẩm này gần như được nhập khẩu vào Anh với mức thuế 0%.
Có thể thấy, tiềm năng thị trường Anh cho cá tra Việt rất rộng mở. Để tận dụng tối đa các lợi thế từ UKVFTA, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh và năng lực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tự giác thực hiện nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ quy định về truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất, chế biến; kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để có sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững được đề cập tại UKVFTA và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.