Dự kiến xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 sẽ đạt 54 tỷ USD

Dự kiến xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 sẽ đạt 54 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022 và dự báo cả năm 2023 sẽ đạt 54 tỷ USD.

Thông tin được ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại buổi họp báo do Bộ này tổ chức sáng 3/7, tại Hà Nội.

Bức tranh xuất khẩu sáng tối đan xen

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới (nhất là thủy sản và lâm sản) và rào cản thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023

Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.

Đóng góp vào kết quả đó có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Cụ thể, 6 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt 2,4 tỷ USD; cao su đạt 1,05 tỷ USD; gạo đạt 2,3 tỷ USD; rau quả đạt 2,75 tỷ USD; hạt điều đạt 1,6 tỷ USD; tôm đạt 1,56 tỷ USD; sản phẩm gỗ đạt 4,07 tỷ USD.

Trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị. Cụ thể, xuất khẩu gạo tăng 22,2% khối lượng và tăng 34,7% giá trị xuất khẩu; xuất khẩu hạt điều tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị xuất khẩu; riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.

Nói về điểm sáng rau quả trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – thông tin, Việt Nam có diện tích về trồng trọt không lớn nhưng giá trị xuất khẩu rau quả không thua kém các nước, nông sản đi tất cả các nước và vùng lãnh thổ. Với xu hướng công nghiệp hóa và dịch vụ, có thể giảm sản lượng, tuy nhiên, với việc tập trung vào chất lượng, ngoài sản phẩm tươi, cần gia tăng chế biến sản phẩm sâu,… Đồng thời, nếu có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan chức năng thì mục tiêu xuất khẩu rau quả hoàn toàn có thể đạt được con số 10 tỷ USD.

Bên cạnh bức tranh màu sáng, ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – đánh giá, 6 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp gặp khó khăn về thị trường cả trong nước và xuất khẩu, giá một số mặt hàng xuống thấp, nhất là thịt heo, trong khi giá vật tư đầu vào không xuống ở mức cao, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất của bà con nông dân.

Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp – thông tin, giá trị xuất khẩu lâm sản nửa đầu năm 2023 đạt khoảng 6,42 tỷ, giảm 28%. Giá trị xuất siêu 5,32 tỷ USD, bằng 70% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm mạnh Một phần do lạm phát tăng cao, người tiêu dùng EU, Mỹ thắt chặt chi tiêu, giảm sản phẩm từ gỗ; việc ký kết và mở thêm đơn hàng mới không được phát triển thêm. Giá dăm và viên nén giảm mạnh, chi phí nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao do ảnh hưởng xung đột. Thêm vào đó, tác động tức thì vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá ván dán, tủ bếp, bàn trang điểm. Ngoài ra, doanh nghiệp đang đối diện với những khó khăn về cơ chế chính sách, chi phí bảo hiểm xã hội, hoàn thuế giá trị gia tăng.

Dự kiến xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt con số 54 tỷ USD

Nhận định bức tranh xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – thông tin, bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp.

Bên cạnh khó khăn về xuất khẩu giảm, ông Nguyễn Như Tiệp cho hay, các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường EU nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ.

Nếu trước đây, thị trường EU yêu cầu kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc để cho doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký và doanh nghiệp này được mua qua các cơ sở sơ chế, hoặc đại lý thì theo luật mới của EU, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, tất cả các khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh tổng hợp đều phải đăng ký.

Thị trường EU là thị trường dẫn dắt các quy định của thị trường xuất khẩu thế giới, theo đó, nếu như trước đây là các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Chúng ta cần có những chính sách quy định về truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu về thị trường.

“Như vậy, bên cạnh yếu tố thương mại thì các yếu tố kỹ thuật cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm để đảm bảo việc các thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng chứ không bị thu hẹp lại”, ông Nguyễn Như Tiệp thông tin.

Mục tiêu đặt cho cả năm 2023 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 54 – 55 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Theo đó, mặt hàng nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

Muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm ngoái, mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải tăng 7 – 8%. Với mục tiêu đặt ra 54 – 55 tỷ USD, bên cạnh việc hoàn thiên các văn bản pháp luật, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại là hết sức quan trọng. Không có thị trường thì không sản xuất được”, ông Nguyễn Văn Việt thông tin.

Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, ông Phùng Đức Tiến đánh giá, bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD, có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng phân tích về đối tượng ngành hàng thì lại nổi lên những điểm sáng. Ví dụ như với rau quả đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%, gạo 2,3 tỷ USD (tăng 34,7%), hạt điều 1,6 tỷ USD (tăng 7,7%),…

“Về thị trường, Trung Quốc vươn lên giữ vị trí số 1 trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm. Chúng ta nhìn từ bức tranh thị trường, bức tranh ngành hàng để điều hành xuất khẩu một cách linh hoạt, hợp lý. Với nỗ lực của toàn ngành, hết năm có thể xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số 54 tỷ USD, dù trong bối cảnh khó khăn”, ông Phùng Đức Tiến cho biết.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Nếu 6 tháng cuối năm chúng ta giữ được nhịp độ này thì dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Nếu làm tốt công tác giống, chế biến sâu, mở rộng thị trường, thì trong tương lai, con số 10 tỷ USD xuất khẩu rau quả khẳng định sẽ đạt được.

Với mặt hàng gạo, hiện giá gạo của chúng ta cao xấp xỉ Ấn Độ, cao hơn Thái Lan. Chúng ta cũng đang chuẩn bị 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải. Năm ngoái, chúng ta xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, với trị giá 3,49 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD… Như vậy, tính chung cả năm sản lượng dự kiến sẽ đạt chắn trên dưới 8 triệu tấn, thu về chắc chắn trên 4 tỷ USD.

Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí