Sáng 4/8, tại thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2023”.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2023; nhằm triển khai Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Đà Nẵng.
Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2023 hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật thông tin của các thị trường xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn |
Hội nghị là dịp để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm các đối tác; tăng cường quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu và xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với hệ thống phân phối nước ngoài; Góp phần khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, nhất là những thị trường là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết những tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới biến động hình kinh tế thế giới liên tục biến động, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh, giá nguyên vật liệu, chi phí logistics tăng… Kim ngạch xuất nhập khẩu của hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022; các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều thách thức trong đó có việc duy trì đơn hàng xuất khẩu, tìm kiếm đối tác…. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. “Hội nghị sẽ là kênh hỗ trợ hiệu quả để các doanh nghiệp kết nối thành công với các đối tác trong và ngoài nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp”, bà Phương nói.
Các doanh nghiệp kết nối giao thương tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đã cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, xu hướng và cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu; các vấn đề cần lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang một số thị trường như thị trường châu Âu, châu Mỹ; thị trường Hoa Kỳ; thị trường Đức, thị trường Hungary; cập nhật thông tin vền thị trường các thành viên RCEP; thị trường Trung Quốc; thị trường Nhật Bản; thị trường Thái Lan…
Đáng chú ý, nhiều đại diện các thương vụ tại các thị trường đều đánh giá các nhà phân phối trên thế giới đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, thay vì một số nguồn cung nhất định. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh; linh hoạt trong sản xuất giảm chi phí đầu vào để sản phẩm có sức cạnh tranh; tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, sáng tạo, tạo sự khác biệt; nắm bắt nhanh hơn xu hướng, xu thế của thị trường để có sản phẩm đáp ứng; đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống; …
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã tìm hiểu, kết nối giao thương và kí kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác.