Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Đan Mạch tăng trưởng trên 20%

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Đan Mạch tăng trưởng trên 20%

Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Đan Mạch đã tăng trưởng mạnh, đạt mức 20,3%.

Thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu (bao gồm Đan Mạch) cho biết, sau Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đan Mạch giảm và có dấu hiệu phục hồi trở lại từ năm 2022 đến nay. Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Đan Mạch chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, linh kiện điện tử, nội thất, sắt thép, da giầy, hải sản…

So với năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều tăng đáng kể, trong 11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch tăng 20,3%. Dự báo cả năm, thương mại hai chiều sẽ tiếp tục ở mức tăng.

Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Đan Mạch đạt 400 triệu USD, tăng 27,4%; nhập khẩu từ thị trường này đạt 213 triệu USD, tăng 9%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 614 triệu USD, tăng 20,3%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Đan Mạch tăng trưởng trên 20%
Thuỷ sản Việt Nam được thị trường Đan Mạch ưa chuộng (Ảnh: TTXVN)

Trong đó, sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là sản phẩm từ sắt thép với mức tăng 104,7%, tiếp theo đó là sản phẩm nội thất (chất liệu khác gỗ) 62,5%, thuỷ sản 27,7% và dệt may 13,2%. Đây là các sản phẩm có mức tăng trưởng xuất khẩu ổn định và là nhóm các sản phẩm có thể mạnh tiềm năng của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, lý do khiến kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đan Mạch duy trì tăng trưởng là do quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và Đối tác chiến lược Xanh. Đan Mạch hiện là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về cơ chế và khung khổ hợp tác, hai nước đã xây dựng nền tảng vững chắc thông qua các kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các nội dung trong khuôn khổ đối tác hiện có. Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm thương mại, đầu tư, năng lượng tái tạo, giáo dục, y tế và môi trường. Chính phủ Đan Mạch luôn thể hiện thiện chí sẵn sàng mở rộng hợp tác thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời mong muốn cùng Việt Nam nâng tầm quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Đâu là mặt hàng có triển vọng gia tăng xuất khẩu?

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý nêu rõ, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ một số quốc gia trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với Đan Mạch. Các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả nhằm mở cửa thị trường, tăng cường quảng bá và thu hút đầu tư từ Đan Mạch.

Đơn cử, hiện Thái Lan là quốc gia có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với Đan Mạch, đặc biệt trong các lĩnh vực nông sản chế biến, thủy sản và hàng tiêu dùng. Thái Lan tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia với cam kết chất lượng cao, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Đan Mạch. Các hội chợ và triển lãm thương mại thường xuyên được tổ chức tại các thành phố lớn như Copenhagen giúp kết nối trực tiếp doanh nghiệp hai nước và mở rộng cơ hội hợp tác…

Hoặc, Indonesia, quốc gia xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, gia vị và dầu cọ, đã đẩy mạnh đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương và khuyến khích đầu tư vào công nghiệp chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Đáng chú ý, Indonesia chú trọng đến sản xuất bền vững, đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, từ đó chiếm được thị trường châu Âu.

“Từ kinh nghiệm của các nước trên, Việt Nam cần học hỏi và xây dựng chiến lược phù hợp để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư với Đan Mạch. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia với cam kết chất lượng cao, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trực tiếp, và tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý khuyến cáo.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cũng nêu rõ, doanh nghiệp hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và sản xuất bền vững, coi đây là định hướng quan trọng để đáp ứng nhu cầu và ưu tiên phát triển của Đan Mạch. Việt Nam cần khai thác tối đa các cơ hội hiệp định thương mại tự do EVFTA hiện có và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước kết nối và đầu tư sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Đan Mạch, quốc gia nổi tiếng với nền kinh tế phát triển và chất lượng cuộc sống cao, đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng. Người dân Đan Mạch ngày càng thể hiện sự chú trọng vào các yếu tố như bền vững, sức khỏe, và công nghệ, đồng thời duy trì sự quan tâm đối với các sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc địa phương. Với xu hướng như vậy, về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có cơ hội xuất khẩu sang Đan Mạch, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý gợi mở, thị trường Đan Mạch có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông sản nhiệt đới như cà phê, hạt điều, trái cây và thủy sản chế biến. Việt Nam với lợi thế sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này có tiềm năng chiếm lĩnh thị trường nếu đảm bảo được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Đan Mạch là một trong những thị trường tiêu thụ nội thất và đồ gỗ lớn tại Bắc Âu. Các sản phẩm đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Đan Mạch với giá cả cạnh tranh và thiết kế sáng tạo.

Ngoài ra, Đan Mạch là quốc gia hàng đầu trong phát triển năng lượng sạch và tái tạo. Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng gió, điện mặt trời và công nghệ xử lý môi trường. Thêm nữa, với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất và logistics, phục vụ cho hoạt động thương mại của Đan Mạch với khu vực Đông Nam Á.

Thời gian qua, hiện trạng hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước ghi nhận những kết quả tích cực. Đan Mạch là nhà đầu tư lớn với nhiều dự án quy mô tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, logistics và công nghiệp chế biến. Các doanh nghiệp Đan Mạch ngày càng quan tâm đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện qua các dự án hợp tác và đầu tư mới. Ngược lại, Việt Nam cũng mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước mở rộng đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mà Đan Mạch có kinh nghiệm và thế mạnh như năng lượng xanh, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến thực phẩm.
Bảo Ngọc

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí