Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, là nơi được thiên nhiên ban tặng những sản vật dược liệu tự nhiên đa dạng về chủng loại và quý giá, có công dụng bồi bổ sức khoẻ và chữa bệnh hiếm nơi nào có được mà điển hình là sâm Ngọc Linh.
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính (thứ 4 từ trái qua) trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Kon Tum. (Ảnh: CTV) |
Với khoảng 3.820,7 ha dược liệu, trong đó tiêu biểu nhất là diện tích rừng đã được trồng sâm Ngọc Linh khoảng 1.240,7 ha, Đẳng sâm 628,9 ha; Đương qui 57,5 ha,… Từ đó, hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung, như: Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei; vùng trồng sâm dây tại các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông; vùng trồng Sa nhân tím tại: TP. Kon Tum, huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi.
Cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao. (Ảnh: CTV) |
Theo thống kê, Kon Tum hiện có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, Lan Kim tuyến (Lan gấm), Hồng Đẳng sâm, Cẩu tích,…
Sâm Ngọc Linh còn được xem là “Quốc bảo” của Việt Nam. (Ảnh: CTV) |
Trong đó, sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, quý hiếm, phân bố hẹp có danh tiếng trên thế giới và được xem là “Quốc bảo” của Việt Nam do có giá trị vượt trội so với các loài sâm khác trên thế giới. Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm cho thấy sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh, đặc biệt là có tác dụng phục hồi sự suy giảm chức năng; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, trồng 1 ha sâm Ngọc Linh sau 8 năm lợi nhuận có thể đạt trên 32 tỷ đồng, đây được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư.
Tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 3.820,7 ha trồng dược liệu. (Ảnh: CTV) |
Xuất phát từ lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về dược liệu; đồng thời, sử dụng bền vững có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có. Tỉnh Kon Tum đã và đang phát triển thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, định hướng đến năm 2050.
Tỉnh Kon Tum đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, bước đầu hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm chế biến từ dược liệu. Các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước như: Tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, trà Sâm Ngọc Linh hòa tan, Collagen Sâm Ngọc Linh, Viên nang mềm sâm Ngọc Linh, rượu Sâm Ngọc Linh,…
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh về xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Kết hợp hài hòa giữa xúc tiến thương mại trực tiếp (Hội nghị, hội chợ, kết nối tiêu thụ) với hoạt động của các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm trong triển khai công tác hội nhập, tỉnh Kon Tum đã triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, góp phần giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường thế giới để ứng phó kịp thời trong sản xuất và xuất khẩu.
Để tiếp tục tận dụng tiềm năng, cơ hội thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm dược liệu của tỉnh Kon Tum trong thời gian tới tỉnh Kon Tum đã đề ra các giải pháp cụ thể như: Phát triển dược liệu theo hướng hàng hóa tập trung, ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích người dân tập trung phát triển sản xuất như hỗ trợ 50% chi phí cây giống, vật tư phân bón; hỗ trợ chi phí bảo tồn hoàn thiện quy trình nhân giống thông qua các đề tài khoa học cấp tỉnh; hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, khuyến nông, đào tạo, bao bì nhãn mác, chuyển giao công nghệ, đất đai và tiếp cận với tín dụng.
Ngày 12/5, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu mát mẻ, trong lành. Cảnh quan là những cánh rừng nguyên sinh vô tận, thác, suối tự nhiên điệp trùng,… Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, huyện Tu Mơ Rông xác định phát triển du lịch gắn với dược liệu là hướng đi đột phá, tầm nhìn dài hạn để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Để làm được điều đó, huyện mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dược liệu, trong đó cần có chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, phát triển thương mại điện tử, duy trì hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường giới thiệu, quảng bá sản phẩm dược liệu từ sâm đặc trưng, thế mạnh của vùng.
“Do sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, quý hiếm được xem là “Quốc bảo” của Việt Nam do có giá trị dinh dưỡng vượt trội so với các loài sâm khác trên thế giới. Đồng thời, sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, vì vậy, địa phương đang đẩy mạnh phát triển bền vững diện tích trồng sâm. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP dược liệu từ sâm như rượu sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh, viên nang miềm sâm Ngọc Linh,…ngày càng được khẳng định, qua đó, địa phương mong muốn tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trong lĩnh vực du lịch và dược liệu” – ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chia sẻ.