Rau quả là mặt hàng duy nhất tăng trưởng dương trong tháng 1
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2023 ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu khoảng 3,72 tỷ USD, giảm 23,6%; nhập khẩu ước khoảng 3,1 tỷ USD, giảm 11,5%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 647 triệu USD, giảm 53,8%.
Năm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ lội ngược dòng? |
Trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính xuất khẩu, cá tra có sự giảm sút mạnh nhất với mức gần 40%; tiếp đến là cà phê, gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 29,8%. Mặt hàng tôm cũng có mức giảm khá cao, trên 29%…
Đáng chú ý, trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chính của ngành, tháng 1/2023 chỉ có mặt hàng rau quả có tăng trưởng dương, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022 và đã đạt giá trị 300 triệu USD trong tháng 1.
Sự tăng trưởng về xuất khẩu của mặt hàng này được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định là sự mở cửa thương mại bình thường trở lại sau Covid-19 của thị trường Trung Quốc cũng như vừa qua nhiều nông sản đã được mở cửa sang các thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand…
Ông Vương Trịnh Quốc – Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai – cho biết, từ 8/1 đến nay, các hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã khôi phục bình thường như trước khi chưa có dịch. ‘Một tháng qua có hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chủ yếu là Cửa khẩu Kim Thành. Trong đó có 2.000 lượt xe xuất và 4.000 lượt xe nhập khẩu, với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn trong đó thanh long tươi chiếm 80%’, ông Vương Trịnh Quốc thông tin.
“Năm 2023 sẽ là một năm khả quan cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. Ngay từ tháng 1, ngành rau quả đã ghi nhận sự tăng trưởng ở các thị trường Mỹ (20 – 30%), Australia, Canada, EU”, ông Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc Công ty Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – chia sẻ và thông tin: ‘Hiệp hội có khoảng 20 doanh nghiệp đang tham gia hội chợ trái cây lớn nhất thế giới tại Berlin, Đức. Từ sau khi Trung Quốc mở cửa thị trường (ngày 8/1), hội cũng đón nhiều đoàn từ Đông Âu, và các tập đoàn lớn từ Hồng Kông, Thượng Hải và dự kiến sẽ tổ chức nhiều cuộc họp kết nối tiêu thụ nông sản với phía bạn trong thời gian tới’.
Ông Nguyễn Đình Tùng nhận định, nhu cầu thị trường rau quả trên thế giới đang có tín hiệu tích cực và vị trí mặt hàng rau quả Việt Nam hiện có chỗ đứng nhất định.
Đây là thuận lợi song cũng là khó khăn khi các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, giữ được giá trị sau khi các sản phẩm lên kệ tại siêu thị nước ngoài.
Bởi mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau và đặt ra những hàng rào kỹ thuật riêng nên phía doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, đóng gói, hoạt chất cấm…. Đồng thời, cần tập trung phát triển công nghệ bảo quản để thúc đẩy xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn nữa.
Đối diện với những thách thức cũ và mới
Cú ‘lội ngược dòng’ của ngành rau quả, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng kỳ vọng về việc 2023 sẽ là năm triển vọng của ngành rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, rau quả Việt đang đối mặt với những sức ép mới và đòi hỏi ngành hàng này phải có những đổi mới về chất để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – thông tin, cách đây 2 ngày Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho chúng ta. ‘Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc’, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Tiến sỹ Trà My – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc -lưu ý các doanh nghiệp trong nước về việc ‘gò ép’ số lượng mà quên đảm bảo chất lượng. Việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng không những hàng khả năng cao bị trả lại mà còn sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Mặt khác, việc một số doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu sẽ gây hậu quả rất lớn.
Ngoài ra, nông dân, doanh nghiệp Việt vẫn chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc. Việc vận chuyển nông sản, trái cây mới tập trung vào đường bộ, mà quên mất đường biển có nhiều ưu thế.
‘Trái sầu riêng bán được 200.000 đồng/kg, nhưng nếu có thương hiệu được đăng ký thì giá cao hơn. Malaysia có loại sầu riêng bán được tới 1.000 USD’, bà Trà My dẫn chứng và cho rằng, thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần. Trong khi chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước thì xây dựng thương hiệu là điểm yếu của nông sản, trái cây Việt Nam.
Tích cực tham gia các Hội chợ là cách để nông sản trái cây Việt tiếp cận được với người tiêu dùng thế giới. Về phía các doanh nghiệp cũng kiến nghị các Bộ, ngành chức năng tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tham gia những chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản Việt nói chung và trái cây nói riêng trong thời gian tới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu trái cây tươi đạt khoảng 2,099 tỷ USD, giảm 10,7%; xuất khẩu sản phẩm chế biến đạt hơn 1,013 tỷ USD, tăng 9,8%; xuất khẩu rau củ đạt 252,4 triệu USD, giảm 1,8%; hoa đạt 66,903 triệu USD, tăng 8,1%; lá đạt 8,099 triệu USD, giảm 9,5%. |