Xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 26 tỷ USD
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho hay, năm 2024, xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 26 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2023. Từ giờ đến cuối năm đơn hàng tiếp tục ổn định, đáng lưu ý, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.
Các thị trường xuất khẩu năm 2024 đều có sự tăng trưởng. Một số thị trường lớn như Mỹ, EU giữ được mức tăng trên 10%. Đặc biệt, năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng. Tuy vậy, ở một số thị trường xuất khẩu vẫn giảm, thậm chí hầu như không xuất được do chịu tác động của xung đột như Nga, Uzbekistan.
Đơn hàng ổn định giúp ngành da giày về đích xuất khẩu năm 2024 với con số tăng trưởng 10%. Ảnh: Gia Định |
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, năm 2024 ngành da giày đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Riêng thị trường Trung Đông, đây là thị trường rất tiềm năng khi có nhu cầu tiêu dùng lớn và đa dạng.
Trong đó, giày thể thao – mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, mặt hàng này cũng có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường này còn tiêu dùng mặt hàng dép tuy nhiên số lượng không lớn.
Dù không quá khó khăn về đơn hàng nhưng bà Xuân cho hay, năm 2024 đơn giá thấp, thậm chí bị ép giảm. Cùng đó, các đơn hàng đang có xu hướng yêu cầu chất lượng và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững cao hơn đã tạo thêm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Hơn nữa, chi phí đầu vào tăng cao, nguồn lao động khan hiếm tất cả khó khăn đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chia sẻ về những khó khăn này, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Giày VASA, cho hay, năm 2024 là năm thực sự khó khăn của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp da giày nói riêng. Là doanh nghiệp có quy mô nhỏ khó khăn của VASA nhân lên gấp đôi. “Năm nay doanh nghiệp chỉ đạt 30-40% kế hoạch xuất khẩu xây dựng từ đầu năm. Để bù đắp cho phần thiếu hụt doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh tiêu thụ trong nước”, ông Tuấn thông tin.
Thách thức nào cho năm 2025?
Về kế hoạch năm 2025, VASA vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu, sau đó mới từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.
Doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon nhằm mở thêm kênh tiêu thụ. “Chúng tôi đánh giá đây là hướng đi tiềm năng trong tương lai, sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực và con người để có đơn hàng từ các sàn thương mại điện tử này”, ông Tuấn thông tin. Ông cũng đồng thời cho biết, năm nay dù sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo thu nhập và có tháng lương thứ 13 thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cho người lao động. Để khi thị trường ấm trở lại, doanh nghiệp có sẵn nguồn lực để bắt nhịp sản xuất.
Nhìn nhận ở góc độ ngành, bà Xuân cho hay, bối cảnh thị trường năm 2025 không có nhiều thay đổi so với năm 2024. Đơn hàng không quá khó khăn nhưng doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao. “Năm 2025 ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD”, bà Xuân nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó nhu cầu tiêu dùng và tuân thủ tiêu chuẩn xanh từ các thị trường nhập khẩu là 2 yếu tố đặc biệt quan trọng. Do đó, doanh nghiệp ngành da giày mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế để đáp ứng các yêu cầu. Trong đó, các cơ quan chức năng phối hợp với tổ chức quốc tế nghiên cứu đưa ra được tiêu chuẩn xanh một cách thống nhất, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ hài hòa để doanh nghiệp có thể tận dụng.
Cùng đó cần có giải pháp nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp. Sau khi đưa ra được các tiêu chuẩn thống nhất, đơn vị chức năng hỗ trợ đào tạo, huấn luyện để áp dụng các tiêu chuẩn, giúp doanh nghiệp có thể đạt các chứng chỉ, đủ điều kiện để triển khai đơn hàng.
Bên cạnh đó nguồn lực giúp doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ cũng rất cần thiết. Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng các quỹ thúc đẩy phát triển xanh, tạo điều kiện để giảm lãi suất vay giúp doanh nghiệp có cơ hội áp dụng công nghệ mới, công nghệ xanh trong sản xuất.
Cuối cùng là vấn đề thông tin, thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm… cơ quan nhà nước phối hợp với hiệp hội ngành nghề cập nhật nhanh và chuẩn xác thông tin về quy định xanh, tiêu chuẩn xanh của các thị trường nhập khẩu giúp doanh nghiệp tiếp nhận kịp thời, từ đó chuẩn bị kế hoạch cho quá trình phát triển.