Năm 2024, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 533 triệu USD

Năm 2024, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 533 triệu USD

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 533 triệu USD. Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Nhiều chỉ tiêu về đích trước ‘hẹn’

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết năm 2024, ngành chăn nuôi đã có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu định hướng đến năm 2025 (theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045).

Sản phẩm tổ yến của Công ty Hải Yến Nha Trang xuất khẩu lô hàng tổ Yến sào chất lượng cao sang Trung Quốc.
Công ty Hải Yến Nha Trang xuất khẩu lô hàng tổ yến sào chất lượng cao sang Trung Quốc. (Ảnh: Minh Tâm)

Cụ thể, mức tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm đạt 5,4% (chỉ tiêu từ 4 – 5%/năm); sản lượng thịt xẻ các loại sản xuất trong nước đạt 5,6 – 5,8 triệu tấn (chỉ tiêu từ 5 – 5,5 triệu tấn); sản lượng trứng hơn 20 tỷ quả (chỉ tiêu từ 18 – 19 tỷ quả); bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm: Thịt xẻ 56 – 57kg (chỉ tiêu từ 50 – 55kg), 220 quả trứng (chỉ tiêu 180 – 190 quả); tổng đàn lợn có mặt thường xuyên trên 31 triệu con (chỉ tiêu đến năm 2030 từ 29 – 30 triệu con); kén tằm hơn 18.000 tấn (chỉ tiêu đến năm 2030 là 10.000 tấn); kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 533 triệu USD (tăng 6,5%).

Năm 2024, Việt Nam cũng đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt hơn 21 triệu tấn (tăng 3,4%). Hầu hết giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, sau thời gian dài mở cửa thị trường, đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho 11 nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, sản lượng sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng.

Đồng thời, sau khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu tổ yến và sản phẩm tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc đã có 9 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép cho xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này. Thịt gà chế biến cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu và Mông Cổ.

Ngoài những mặt hàng đã và đang xuất khẩu, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của một số quốc gia để thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam như: Đàm phán với Hàn Quốc về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm; đàm phán với Nhật Bản về điều kiện, thủ tục để xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường này; tiếp tục đàm phán tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa…

Việc Việt Nam có các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu vào nhiều thị trường đã khẳng định chất lượng sản phẩm Việt Nam. Việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở những thị trường mới còn nhiều dư địa như thị trường Halal được coi là chìa khóa đẩy mạnh xuất khẩu nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng.

Nâng cao nội lực ngành chăn nuôi

Trong năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 4 – 5% so với năm 2024. Tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 – 30%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 8,6 triệu tấn (tăng 4,5%); sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 5,4 triệu tấn (tăng 5%); sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,53 triệu tấn (tăng 4,2%); sản lượng trứng các loại khoảng 21 tỷ quả (tăng 4%); sản lượng sữa đạt trên 1,25 triệu tấn (tăng 4,8%); sản lượng mật ong 26.000 tấn (tăng 9,2%); sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 22 triệu tấn (tăng 2,6%).

Năm 2024, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 533 triệu
Chăn nuôi gia cầm (ảnh Nguyễn Hạnh)

Nhiều đánh giá nhìn nhận dư địa ngành chăn nuôi trong nước còn nhiều. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, không gian chăn nuôi đang ngày càng hẹp đi.

Ông Nguyễn Xuân Dương phân tích, chúng ta đã đạt giới hạn về quy mô chăn nuôi (số đầu lợn đứng thứ 6 thế giới; thủy cầm thứ 2 thế giới; đàn trâu, bò đã hơn 10 triệu con…). Trong khi đó, diện tích cho chăn nuôi có hạn; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường; áp lực bảo vệ môi trường lớn, nhất là việc ngành chăn nuôi phải tham gia tích cực vào chiến lược chung của quốc gia, thực hiện các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, mặc dù trong nước số lượng đầu con vẫn tăng, nhưng lượng hao hụt do dịch bệnh, thiên tai khá lớn. Chăn nuôi là ngành chịu nhiều chi phí nhất như phòng chống dịch bệnh, nhân công, giá thức ăn tăng cao… làm giá thành chăn nuôi trong nước cao hơn so với thịt nhập khẩu, dẫn tới lượng thịt bên ngoài đi vào thị trường nội địa vẫn tăng. Theo thống kê, hiện tại trong nước mỗi năm sản lượng thịt tăng 2%, trong khi thịt nhập khẩu tăng 15-20%. Đặc biệt, trong thời gian tới, hoạt động nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng do thuế nhập khẩu đang lùi dần về 0%.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – lưu ý, trước những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường và cạnh tranh khốc liệt, trong khi khoa học công nghệ lĩnh vực chăn nuôi của chúng ta đang rất hạn chế, Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi… khi xây dựng các công trình nghiên cứu, đề tài, dự án, chương trình phải hướng tới tính mới, bắt kịp xu thế khoa học công nghệ, chuyển đổi số của thế giới thì mới không bị tụt hậu.

Đặc biệt, trong xu thế chung của toàn cầu hướng tới sản xuất chăn nuôi an toàn, giảm phát thải, Cục Chăn nuôi cần tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách, đánh giá nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, tuần hoàn đã phát huy hiệu quả; khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân tạo thuận lợi kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Qua đó, từng bước nâng tầm chăn nuôi trong nước và thu hút thêm các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.

Tại Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 hướng đến mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 – 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 – 4 tỷ USD vào năm 2030.

Hiện tại cả nước có hơn 1.700 cơ sở an toàn dịch bệnh và 152 vùng an toàn dịch bệnh tại 60 tỉnh, thành phố. Để từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025 là xây dựng 11 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với các bệnh cúm gia cầm và newcastle theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) tại các tỉnh Đông Nam bộ.

Đối với gia súc, ngoài duy trì 4 huyện của tỉnh Bình Dương an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam với các bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển, sẽ xây dựng 4 huyện khác của tỉnh Bình Phước và ít nhất 2 huyện của tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Đặc biệt, theo quy định của của WOAH, Việt Nam sẽ xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc tại 4 huyện của tỉnh Bình Phước và Bình Dương.

Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí