Ngành thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long: Khai thác hiệu quả các FTA

Ngành thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long: Khai thác hiệu quả các FTA

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 của nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt con số khả quan, ghi nhận 1 năm vượt khó thành công.

Tăng trưởng trong khó khăn

Năm 2022, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi, giá thành sản xuất tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi; chi phí logistics tăng… Tuy nhiên nhiều tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ghi nhận giá trị kim ngạch thủy sản tăng trưởng so với năm 2021.

Là địa phương khai thác tốt lợi thế tiềm năng thủy sản, năm 2022 tỉnh Cà Mau ước tính sản lượng chế biến tôm đạt 200 ngàn tấn, vượt hơn 27% kế hoạch, tăng hơn 11 % so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1 tỷ USD, bằng 101% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ.

Với Sóc Trăng, năm 2022 địa phương này có tổng sản lượng thủy sản trên 357.000 tấn, tăng 11% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước trên 1 tỷ USD.

Tương tự, tỉnh Đồng Tháp mới đây cũng đưa ra thống kê về hoạt động của ngành thủy sản tỉnh này. Theo đó, tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản của Đồng Tháp đạt 12.831 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 985 triệu USD, trong đó cá tra là ngành hàng chủ lực, chiếm 64,1% tổng giá trị ngành thủy sản tỉnh và đạt 8.232 tỷ đồng.

Còn tại An Giang, theo Sở Công Thương, tính đến tháng 12/2022, xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt gần 400 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ.

Ngành thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long: Khai thác hiệu quả các FTA
Tôm là mặt hàng chủ lực của nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận định về những kết quả mà ngành thủy sản cả nước đạt được trong năm 2022 nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho rằng: Kết quả trên có được là do ngành thủy sản đã kịp thời bắt kịp nhu cầu phục hồi mạnh mẽ tại hầu hết các thị trường và sử dụng nguồn nguyên liệu dữ trữ từ cuối năm để đẩy mạnh sản xuất- xuất khẩu thủy sản sang các thị trường, nhất là các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc với giá xuất khẩu trung bình tăng từ 15 – 60%.

Cũng theo ông Hòe, trong năm 2022 các doanh nghiệp thủy sản đã tận dụng tốt hiệu quả của những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UVKFTA… Trong đó, các doanh nghiệp cũng đã chủ động và chú trọng hơn đến việc đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế. “Việc các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA đã hỗ trợ mở rộng xuất khẩu của Việt Nam trên 6 thị trường chủ lực là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang các nước CPTPP tăng trưởng mạnh 30%”- ông Hòe cho biết.

Đồng quan điểm, theo ông Huỳnh Quốc Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này tăng cao là do khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu ngay sau khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19 và tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do. Cụ thể hoạt động xuất khẩu của tỉnh vào các thị trường chính đều tăng cao so với cùng kỳ, trong đó thị trường EU tăng gần 41%, Australia tăng 85%, Canada tăng gần 23%, Hàn Quốc tăng 14%, Nhật tăng hơn 13%…

Đối diện nhiều thách thức trong năm 2023

Dù ghi nhận kết quả khả quan trong 2022 song các địa phương và doanh nghiệp cũng nhìn nhận rằng, xuất khẩu thủy sản trong năm 2023 có thể sẽ đối diện với nhiều thách thức.

Phân tích cụ thể, VASEP chỉ ra, ngành thủy sản sẽ đối mặt với một số thách thức từ thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản, điều kiện cơ sở hạ tầng nuôi cũng chưa được quan tâm phát triển đúng mức, chất lượng con giống,… Chi phí nhiên liệu cho khai thác, nguồn lợi thủy sản khai thác giảm và thẻ vàng IUU. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu thủy sản cho sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu hàng hoá và thực phẩm nói chung, thủy sản nói riêng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu so với năm 2022. Ngoài ra, lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng sẽ làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam.

“Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường sẽ chậm lại do khó khăn về tài chính sẽ khiến cho nhiều nhà nhập khẩu sẽ cân nhắc hơn trong việc ký kết các hợp động mới; khả năng hủy/hoãn nhận hàng đối với các đơn hàng đã ký sẽ tăng nhằm giảm các chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng. Chưa kể việc khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thu mua, dự trữ nguyên liệu và nguồn sản xuất cũng sẽ là thách thức cho cả doanh nghiệp- nông dân- ngư dân trong thời gian tới”- ông Hòe dự báo.

Đứng trước những thách thức này, các doanh nghiệp thủy sản trong vùng cho biết doanh nghiệp sẽ có nhiều giải pháp để ứng phó. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chú trọng tái cơ cấu qua việc xem xét quản trị hàng tồn kho tốt hơn, tiết kiệm hơn, đầu tư tập trung không tràn lan. Song song đó là giải pháp đi vào chiều sâu, tập trung vào phát triển bền vững vùng nguyên liệu, sản xuất.

Mai Ca

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí