Nguồn cung thấp, xuất khẩu cà phê tiếp tục được lợi về giá

Nguồn cung thấp, xuất khẩu cà phê tiếp tục được lợi về giá

Việc thiếu hụt nguồn cung là một trong những nguyên nhân giúp xuất khẩu cà phê được lợi về giá.

Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) thông tin, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/9, các mặt hàng cà phê tiếp tục tăng giá mạnh.

Theo đó, giá 2 mặt hàng cà phê ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,34% với Arabica và 2,44% với Robusta, đưa giá giao dịch lên mức cao nhất trong 1 tháng. Giới phân tích đang khá dè dặt trong việc đưa ra nguyên nhân lý giải cho sự tăng mạnh bất thường của giá cà phê.

Nguồn cung thấp, xuất khẩu cà phê tiếp tục được lợi về giá
Giá cà phê xuất khẩu duy trì ở mức cao

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho rằng, dự báo giá cà phê Robusta sẽ tiếp tục phục hồi trong ngắn hạn do thị trường vẫn còn mối lo thiếu hụt nguồn cung. Thị trường lo ngại về hiện tượng thời tiết El Nino dự báo xuất hiện vào cuối năm nay và sẽ gây khô hạn một phần cho các quốc gia sản xuất cà phê chính quanh vành đai Thái Bình Dương, trong khi khối lượng cà phê được chứng nhận trên cả hai sàn vẫn ở mức rất thấp.

Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8,0% so với tháng 7/2023 và tăng 29,7% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.463 USD/tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái

EU – thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam đã tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 21% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 389,9 nghìn tấn, trị giá 854,23 triệu EUR (tương đương 914,11 triệu USD). Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng từ 20,96% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 27,5% trong 6 tháng đầu năm 2023.

2023 là năm cà phê nhân có giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm, tuy nhiên, lượng cà phê trong dân cũng như của doanh nghiệp đã cạn. Ở Lâm Đồng đang chờ đón mùa thu hoạch cà phê sắp tới vào cuối năm nay. Các tháng cuối năm, khi vào vụ thu hoạch mới, giá cà phê được dự báo vẫn ở mức cao vì nhu cầu tăng.

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) thông tin, giá cà phê đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê đến tháng 8 và tháng 9 đã hết hàng. Điều này dẫn đến lượng cà phê xuất khẩu từ tháng 8 đến tháng 10 có thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VICOFA, sản lượng cà phê năm nay ước giảm 10-15% do thời tiết không thuận. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê từ nay đến cuối năm vẫn khả quan do cầu tăng, trong khi cung không được cải thiện.

Trong thời gian qua, cà phê – cây trồng chủ lực của vùng đất Tây Nguyên vẫn còn thiếu bền vững. Các tỉnh Tây Nguyên hiện đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ và khuyến khích nông dân chuyển sang mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, đặc biệt là cà phê đặc sản. Theo đó, nhiều hợp tác xã và nông dân đã thu về lợi nhuận cao, đồng thời nâng được giá trị thương hiệu của cà phê vùng Tây Nguyên.

Tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD.

Bảo Ngọc

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí