PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Các chỉ đạo về xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương đúng và trúng!

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Các chỉ đạo về xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương đúng và trúng!

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, các chỉ đạo của Bộ Công Thương về xuất khẩu gạo gắn với an ninh lương thực là đúng và trúng.

Thưa PGS.TS, hiện thông tin giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới được nhận định là “có mừng và cũng có lo”, từ góc độ chuyên gia kinh tế, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Trước tiên là tin vui, bởi lẽ, từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan. Bên cạnh đó, vấn đề được chúng ta nhắc đến nhiều thời gian vừa qua đó là khả năng đàm phán về giá và chất lượng của hàng hóa.

Để tận dụng cơ hội được gọi là “vàng” này, chúng ta cần đẩy mạnh công tác xúc tiến để mau chóng “điền vào vị trí” của các nước xuất khẩu khác, củng cố vị thế hàng đầu của gạo Việt Nam, đồng thời đàm phán với các đối tác mới để đưa hạt gạo Việt Nam đến rộn
Xuất khẩu gạo trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu: Linh hoạt giải pháp để đạt được nhiều mục tiêu

Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cao dẫn đến giá gạo trong nước có thể cũng tăng. Do đó, xem xét, tính toán như thế nào cho hợp lý lúc này là vấn đề “căng não” của doanh nghiệp.

Mặt khác, giá gạo tăng cao như vậy nhưng nông dân – những người trực tiếp sản xuất ra hạt gạo thì lại không phải là người được hưởng nhiều nhất.

Một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đó là sự biến động về giá sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, giá gạo có thể sẽ tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng. Nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt giây”, nhưng non quá thì sẽ chịu thiệt hại. Việc này trên thực tế đã xảy ra.

Sau khi một số thị trường cấm xuất khẩu gạo, thị trường gạo thế giới trở nên rất “nóng”. Trong lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương đối với mặt hàng gạo, chỉ đạo xuyên suốt được Bộ Công Thương đưa ra đó là vừa tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Ông bình luận gì về chỉ đạo này?

Đây là vấn đề đúng và trúng, bởi an ninh lương thực là vấn đề sống còn của nền kinh tế. Do đó, không thể để người dân bị đứt gãy, thiếu lương thực hay phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Để có được an ninh lương thực thì điều đầu tiên chúng ta cần có tích trữ phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Bên cạnh đó, cần xem xét mức độ chúng ta bán được đến đâu. Bởi việc bán được hàng hóa với mức giá hấp dẫn cũng là cơ hội không phải khi nào cũng có.

Tích trữ là cần thiết, nhưng cần vừa đủ. Cần tính toán cẩn trọng, nếu không, khi mùa vụ mới đến, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn trong kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho ngành gạo.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa cả nước năm 2023 khoảng 7,1 triệu ha; năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng khoảng trên 452 nghìn tấn so với năm 2022.

Theo số liệu Điều tra mức sống dân cư Việt Nam, bình quân một người Việt Nam tiêu dùng 83 kg/năm, ở nông thôn là 92 kg/người/năm và thành thị là 68,4 kg/người/năm. Như vậy tổng gạo cần cho nhu cầu tiêu dùng của con người là khoảng 8,7 triệu tấn gạo; phục vụ chế biến khoảng 7,5 triệu tấn thóc; phục vụ chăn nuôi khoảng 3,4 triệu tấn thóc; dùng làm giống, giống dự phòng khoảng 1 triệu tấn thóc; dự trữ trong nước khoảng 3,8 triệu tấn thóc.

Theo số liệu của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc dự tính cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2023 là khoảng 29,5 triệu tấn thóc có hệ số an toàn rất cao. Lượng gạo xuất khẩu năm 2023 ước trên 7,0 triệu tấn (tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

“Ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo” đây là một trong những yêu cầu được đưa ra tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 của Bộ Công Thương, việc này có cần thiết trong bối cảnh thị trường gạo đang “nóng” như hiện nay, thưa ông?

Tôi đồng ý với yêu cầu này. Thị trường là bình thông nhau. Do đó, trước việc giá gạo xuất khẩu thế giới và trong nước đang rất “nóng” sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước thì các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo tại thị trường trong nước rất có thể sẽ xảy ra. Chúng ta cần phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Giá cả các mặt hàng nói chung, và mặt hàng gạo nói riêng biến động tăng/giảm sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích trữ của chúng ta.

Do đó, giải pháp nêu trên sẽ vừa đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, đồng thời đảm bảo quản lý nhà nước về giá cả, cũng như tiêu dùng trong nước được thông suốt, dự trữ lương thực được trôi chảy. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh và các hoạt động sản xuất khác trong nền kinh tế quốc dân.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh (thực hiện)

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí